Kiểu ăn kiêng đang "hot", có thể chống được bệnh tâm thần
Kiểu ăn kiêng đang "hot", có thể chống được bệnh tâm thần
Nghiên cứu thí điểm từ Trung tâm Y tế Đại học Stanford và Đại học Michigan (Mỹ) chỉ ra một lợi ích bất ngờ của một kiểu ăn kiêng gây tranh cãi.
Công bố nghiên cứu trên tạp chí y học Psychiatry Research, nhóm khoa học gia Stanford chỉ ra chế độ ăn kiêng Keto (Ketogenic) có thể được sử dụng để hỗ trợ một số bệnh nhân tâm thần nặng.
Trong các thí nghiệm, kiểu ăn kiêng đang "hot" và gây tranh cãi này vừa giúp chống lại các tác dụng phụ lên hệ thống chuyển hóa mà thuốc điều trị tâm thần gây nên, vừa hỗ trợ cải thiện tâm trạng bệnh nhân.
Người ăn kiêng kiểu Keto sẽ được yêu cầu tiêu thụ nhiều chất béo, đạm, rau xanh nhưng cực ít tinh bột - Ảnh đồ họa
Trong vòng 4 tháng, nhóm nghiên cứu đã theo dõi 21 bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực, đang phải dùng thuốc chống loạn thần.
Những người này cũng gặp các tác dụng phụ của thuốc bao gồm tăng cân, kháng insulin, tăng triglyceride máu, rối loạn lipid máu hoặc suy giảm khả năng dung nạp glucose.
Họ được hướng dẫn ăn kiêng kiểu Keto, với chỉ 10% calo từ bữa ăn đến từ carbohydrate, 30% từ protein và 60% từ chất béo.
Theo News-Medical, cuối giai đoạn thử nghiệm, 29% đã thực hiện nghiêm ngặt yêu cầu ăn uống nói trên.
Nhóm này cải thiện rõ sức khỏe trao đổi chất: Giả chu vi vòng eo 11%, các chỉ số huyết áp, BMI, triglyceride, đường huyết, tình trạng kháng insulin... đều thấp hơn.
Họ cũng cải thiện sức khỏe tâm thần được trung bình 31% theo đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa. Khoảng 3/4 tình nguyện viên trong nhóm nhận được mức cải thiện có ý nghĩa lâm sàng.
Những người tuân thủ ăn kiểu Keto cũng cho biết họ ngủ ngon hơn, hài lòng với cuộc sống hơn.
"Thật hứa hẹn và đáng khích lệ khi bạn có thể kiểm soát bệnh tật của mình theo cách nào đó, ngoài tiêu chuẩn thông thường" - PGS-BS Shebani Sethi từ Trung tâm Y tế Đại học Stanford (Mỹ) nói.
Ăn kiểu Keto là một kiểu ăn kiêng mà hầu hết người tham gia đều xác nhận giúp họ giảm cân hiệu quả, tuy vậy vẫn còn gây tranh cãi do một số bằng chứng cho thấy sự ăn "lệch" này có thể có một số tác động tiêu cực, bao gồm lên hệ tim mạch hay sự tập trung.
Một số bằng chứng khác lại cho thấy kiểu ăn kiêng này có thể giúp cải thiện một số bệnh mạn tính liên quan đến chuyển hóa.