4 sai lầm khi nuôi dạy con trong độ tuổi trung học
4 sai lầm khi nuôi dạy con trong độ tuổi trung học
(Dân trí) - Gia đình có con cái trong độ tuổi trung học luôn đòi hỏi nhiều sự quan tâm từ phụ huynh hơn bởi lẽ đây là giai đoạn quan trọng trong việc định hình tương lai của con trẻ.
Đặc biệt, khi con đang ở độ tuổi mới lớn, nhiều gia đình thường mắc những sai lầm không đáng có khi giao lưu với con. Nhưng đây là 4 sai lầm mà các bậc cha mẹ nên tránh khi nuôi dạy con trẻ.
1. Áp lực từ phụ huynh
Cha mẹ luôn muốn con mình trở nên ưu tú, thành công. Điều này không sai, nhưng đôi khi mong muốn này quá lớn sẽ khiến con cảm thấy áp lực. Ví dụ rõ ràng nhất là trong "cuộc chạy đua" tuyển sinh đại học.
Từ khoảng hai năm cuối cấp 3, hầu như các cuộc trò chuyện đều xoay quanh việc chọn trường đại học. Thi trường nào tốt, nộp đơn xét tuyển ra sao, cần chuẩn bị những gì... là những chủ đề quen thuộc. Khi chủ đề này lặp lại quá nhiều sẽ tạo áp lực về mặt tinh thần cho con, khiến trẻ ác cảm khi nhắc tới việc thi cử.
Đặc biệt, áp lực còn lớn hơn khi phụ huynh là những người thích cạnh tranh. Về lý trí, họ biết con mình không có hứng thú gì với trường đại học này, nhưng khi nói chuyện với những phụ huynh khác họ lại nói những câu như: "Ồ, con tôi thi được điểm cao hơn con nhà cậu đấy. Nếu nó mà thi trường này thì cũng chắc chắn đỗ". Đây có thể coi là một hình thức tự an ủi của cha mẹ khi thấy các bạn cùng lớp học ở những trường mà con mình không theo học.
2. Lo lắng quá mức về các mối quan hệ xã hội của con
Các bậc phụ huynh lúc nào lo lắng về mối quan hệ xã hội của con mình. Chúng có đủ bạn bè không, những người bạn hiện tại có ảnh hưởng đến con thế nào, tại sao con không đi chơi vào tối thứ 7, tại sao con không tham gia vào các hoạt động ở trường? Và những băn khoăn này sâu sắc hơn khi cha mẹ nhận thấy con mình có sở thích khác với các bạn đồng trang lứa.
Ngoài ra, phụ huynh cũng rất quan tâm đến chuyện tình cảm ở trường cấp 3. Họ luôn tự hỏi liệu: Con có hẹn hò ở trường trung học không? Không có nữ sinh nào thấy con trai tôi rất bảnh sao? Con có đang bỏ lỡ một số trải nghiệm đặc biệt của tuổi mới lớn không? Con sẽ học cách nói chuyện với bạn khác giới như thế nào? Con dự định bao giờ sẽ kết hôn?
Những lo lắng thái quá về cuộc sống xã hội của thanh thiếu niên là một sự lãng phí về thời gian. Hãy để con có không gian riêng, tập trung vào mục đích, định hướng cá nhân. Việc của cha mẹ là đồng hành và là điểm dựa cho con khi cần chứ không phải theo dõi cuộc sống cá nhân của con 24/7.
3. Chăm con quá mức
Khi con cái ở tuổi đi học trung học, nhiều phụ huynh không muốn cho con giúp đỡ bất cứ việc gì. Từ giặt đồ, gấp đồ bỏ vào ngăn kéo, làm bữa trưa, dọn dẹp cặp sách, bàn học, miễn rửa bát. Tất cả điều này là để giúp trẻ học tập dễ dàng hơn.
Đồng tình rằng việc học tập ở cấp 3 rất mệt mỏi, con đã rất bận rộn với sách vở ở trường rồi. Tuy nhiên, khi chăm và nuông chiều con quá mức, gia đình có thể vô tình tạo ra tính ỷ lại ở trẻ. Từ đó, trì hoãn sự phát triển tính tự lập và độc lập cần thiết cho quá trình học đại học và trưởng thành.
4. Lắp TV, máy tính trong phòng ngủ
Nhiều người nghĩ rằng thanh thiếu niên sẽ đi ngủ khi họ mệt mỏi. Đó là vì phụ huynh không nhận ra sức hút gây nghiện của trò chơi điện tử, nhắn tin, hay mạng xã hội. Nhiều học sinh trung học gần như đã chìm vào giấc ngủ khi tay vẫn còn cầm điện thoại.
Trong 3 năm trung học, nhiều đứa trẻ kiệt sức, một phần vì nhịp sinh học tự nhiên khiến chúng muốn thức khuya và ngủ muộn, nhưng cũng vì những thiết bị điện tử đó cản trở giấc ngủ của chúng.
Để ngăn chặn tình trạng này xảy ra, hãy yêu cầu con tắt và đặt điện thoại ngoài tầm tay trước khi đi ngủ. Cài đặt máy tính của gia đình tự tắt vào lúc 11 giờ đêm vào các ngày trong tuần và muộn hơn chút vào cuối tuần.
Nếu cha mẹ tránh được những sai lầm không đáng có khi nuôi dạy con, những người trẻ sẽ trưởng thành toàn diện hơn và sớm tự lập.