6 hành vi thường thấy ở những người sống thọ sống khỏe: Bạn có mấy?
6 hành vi thường thấy ở những người sống thọ sống khỏe: Bạn có mấy?
Dưới đây, các bác sĩ tiết lộ những điều thường thấy ở những người sống thọ sống khỏe và cách bạn có thể áp dụng những hành vi đó cho chính mình.
Khi nói đến mục tiêu sống thọ, có nhiều yếu tố giúp bạn có một cuộc sống trọn vẹn và khỏe mạnh khi về già, ví dụ như tập thể dục thường xuyên và ăn nhiều rau củ trái cây…
Mới đây, Tiến sĩ Parul Goyal, bác sĩ lão khoa tại Trung tâm y tế Vanderbilt Health ở Nashville, Mỹ, nói với HuffPost rằng: “Theo quan điểm của tôi, lão hóa khỏe mạnh bao gồm ba yếu tố khác nhau”. Đó là sức khỏe thể chất, kết nối cảm xúc và hỗ trợ tinh thần. Những yếu tố này giúp bạn có một cuộc sống bổ ích, sống động và lành mạnh.
Lão hóa khỏe mạnh bao gồm ba yếu tố khác nhau. Đó là sức khỏe thể chất, kết nối cảm xúc và hỗ trợ tinh thần.
Dưới đây, các bác sĩ lão khoa chia sẻ những hành vi thường thấy ở những người sống thọ sống khỏe, cùng với một vài lời khuyên nhỏ nếu bạn chưa có những hành vi này.
Dành thời gian để học những điều mới
Càng lớn tuổi, chúng ta càng có ít cơ hội tiếp thu thông tin mới; nhiều người trong chúng ta đã nghỉ học hoặc nghỉ làm. Cơ hội học hỏi sẽ bị hạn chế.
Bác sĩ Goyal nói khi khám cho các bệnh nhân cao tuổi, cô sẽ xem xét khả năng nhận thức của họ, đảm bảo họ luôn có tinh thần vững vàng, có sử dụng trí óc, tham gia vào các bài tập để kích thích tâm trí, giống như là họ đang học một kỹ năng mới.
Cô khuyến khích bệnh nhân của mình học điều gì đó mới, ví dụ như một trò chơi, bài tập thể dục, ngôn ngữ hay nhạc cụ mới.
Bác sĩ Goyal nói: “Điều đó sẽ giúp hình thành những con đường mới trong não để chúng ta có thể tiếp tục duy trì khả năng nhận thức mạnh mẽ”.
Thành thật về nhu cầu của mình
Robyn Golden, phó chủ tịch phụ trách công tác xã hội và sức khỏe cộng đồng tại Trung tâm Y tế Đại học Rush ở Chicago, Mỹ, cho biết: “Thông thường, mọi người không lão hóa khỏe mạnh vì họ không thẳng thắn về nhu cầu của mình. Chúng ta cần những lời nói như ‘Đây là điều tôi cần, tôi đang cảm thấy cô đơn, tôi cần ai đó đi chơi cùng vào tối thứ Ba’”.
Golden nói thêm rằng nhiều người cao tuổi dễ cảm thấy mình là gánh nặng hoặc như người vô hình, điều này có thể khiến họ đau khổ thầm lặng. Nhưng điều quan trọng là phải chống lại điều đó và cho mọi người biết khi bạn đang gặp khó khăn. Vì vậy, nếu bạn là người có thể chia sẻ suy nghĩ và nhu cầu của mình với gia đình và bạn bè thì đó là một dấu hiệu tốt.
Hơn nữa, nếu bạn đang phải vật lộn với chứng trầm cảm và lo lắng, điều quan trọng là phải cho bác sĩ biết. Có quan niệm sai lầm rằng lo lắng hoặc trầm cảm sau một độ tuổi nhất định là “bình thường” hơn, nhưng Golden cho rằng điều này không đúng.
“Trầm cảm có thể được điều trị ở mọi lứa tuổi, không chỉ bằng thuốc mà còn bằng tư vấn, bằng các biện pháp can thiệp nhóm. Vì vậy, tôi nghĩ đó là một phần giúp bạn lão hóa một cách khỏe mạnh. Cởi mở có nghĩa là có thể nói 'Đây là con người tôi, đây là điều tôi cần'”, Golden giải thích.
Nếu bạn là người có thể chia sẻ suy nghĩ và nhu cầu của mình với gia đình và bạn bè thì đó là một dấu hiệu tốt.
Ưu tiên giao tiếp xã hội
Cô đơn và cô lập là một vấn đề lớn, đặc biệt là trong giai đoạn COVID-19.
“Như bạn đã biết, với đại dịch COVID-19, điều này đã trở nên thực sự quan trọng. Có rất nhiều sự cô lập về mặt xã hội giữa các bệnh nhân lão khoa của chúng tôi vì họ buộc phải ở trong nhà”, bác sĩ Goyal nói.
Vị bác sĩ lão khoa nói để chống lại cảm giác cô đơn và cô lập, điều quan trọng là phải củng cố các kết nối xã hội, ví dụ như với bạn bè, gia đình, nhóm hội hay cộng đồng của bạn.
Tiến sĩ Lee Lindquist, trưởng khoa lão khoa tại hệ thống y tế Northwestern Medicine ở Chicago, Mỹ, cho biết giao tiếp xã hội cũng có thể giúp ích cho sức khỏe não bộ.
“Chúng ta coi bộ não như một cơ bắp, vì vậy nếu bạn ngồi trong căn phòng bốn bức tường cả ngày và không nói chuyện với bất kỳ ai, não của bạn sẽ trở nên trì trệ vì nó không nhận được bất kỳ sự kích thích nào”, tiến sĩ Lindquist nói.
Lindquist cho biết giao tiếp xã hội, cho dù là nói chuyện trực tiếp hay qua điện thoại, tương tác với mọi người trên Zoom hay tham gia câu lạc bộ sách, là một cách để rèn luyện trí não và khiến nó mạnh mẽ hơn.
Ưu tiên sức khỏe thể chất
Ăn thực phẩm bổ dưỡng và tập thể dục là điều quan trọng trong suốt cuộc đời, kể cả khi bạn già đi.
Bác sĩ Goyal cho biết cô thường khuyên bệnh nhân ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều trái cây và rau quả, đồng thời kết hợp giữa chế độ ăn Địa Trung Hải và chế độ ăn DASH (Phương pháp ăn ngăn chặn tăng huyết áp).
Theo bác sĩ Goyal, chế độ ăn DASH là “một chế độ ăn ít natri được khuyến nghị cho những người bị huyết áp cao”. Chế độ ăn Địa Trung Hải là một kế hoạch bữa ăn được nghiên cứu kỹ lưỡng với đầy đủ ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh, thịt nạc và thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
Bác sĩ Goyal cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của uống đủ nước.
Và ngoài những gì bạn ăn và uống, điều quan trọng khác là tập thể dục.
“Tôi muốn mọi người tiếp tục di chuyển và tập thể dục. Nếu bạn không di chuyển trong một thời gian dài hoặc đã ngồi trong một thời gian dài, đôi khi sẽ rất hữu ích nếu bạn yêu cầu bác sĩ chỉ định vật lý trị liệu để giúp bạn ổn định dáng đi và giữ thăng bằng”, tiến sĩ Lindquist nói.
Tiến sĩ Lindquist lưu ý rằng nhiều người cao tuổi có thể ngại di chuyển vì sợ té ngã, nhưng việc tập thể dục - cho dù bạn đang đi bộ hay tham gia lớp học thái cực quyền - có thể giúp bạn giảm nguy cơ té ngã.
Khi tập thể dục, bác sĩ Goyal cho biết điều quan trọng là phải rèn luyện sức mạnh cơ bắp vì khối lượng cơ bắp sẽ mất đi khi bạn già đi. Goyal cho biết nâng tạ, pilates, yoga và thái cực quyền đều có thể là những bài tập thể dục tốt để xây dựng cơ bắp. Ngoài ra, các bài tập cardio - như đi bộ, đạp xe, bơi lội và chạy - rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch.
Làm những việc mình thích
Sẽ không thực tế khi nghĩ rằng bạn sẽ không bao giờ phải đối mặt với bệnh tật hay chấn thương, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể làm những việc mình yêu thích, cho dù đó là đi du lịch, học công thức nấu ăn mới hay chơi trò chơi với gia đình.
Tiến sĩ Lindquist nói thêm: “Theo quan điểm của tôi, mọi người có thể mắc bệnh mãn tính một lần nào đó trong đời, nhưng điều quan trọng là chăm sóc bản thân và cố gắng hết sức có thể”.
Và nếu bạn đang làm những việc mình thích, bạn có thể sẽ không thấy mình buồn chán và sự nhàm chán có thể là dấu hiệu cảnh báo khi bạn già đi, Golden giải thích. “Cảm giác như ngày đang rất dài không phải là một dấu hiệu tốt”.
Sở thích, công việc tình nguyện và dành thời gian cho những người thân yêu đều là những cách tốt để chống lại sự nhàm chán.
Nói chuyện với bác sĩ về các loại thuốc đang dùng
Chỉ vì bạn được kê một loại thuốc ở độ tuổi 50 không có nghĩa là nó vẫn có tác dụng cho bạn 20, 30 hoặc 40 năm sau.
Tiến sĩ Lindquist nói: “Nhiều khi chúng ta vẫn dùng thuốc trong khi chúng ta không cần chúng nữa. Cơ thể của bạn luôn thay đổi, nó có thể không cần một số loại thuốc nhất định nữa”.
Cô nói rằng điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ về việc ngừng kê đơn bất kỳ loại thuốc không cần thiết nào. Ví dụ, nếu bạn được kê đơn thuốc giảm căng thẳng khi đang làm việc ở độ tuổi 50, bạn có thể không cần đến nó sau khi nghỉ hưu.
Kết luận
Nếu bạn chưa thực hiện bất kỳ điều nào trong số này - hoặc bạn chưa ưu tiên chúng - đừng hoảng sợ. Bây giờ luôn là thời điểm tốt để bắt đầu; bạn càng tập trung vào những điều này càng sớm càng tốt.
Bác sĩ Goyal nói: “Mọi người thường hỏi tôi câu hỏi này: ‘Làm thế nào để tôi lão hóa một cách khỏe mạnh?’ khi họ ở độ tuổi 60 hoặc 70. Nhưng tôi thực sự muốn mọi người bắt đầu nghĩ đến lão hóa khỏe mạnh ở độ tuổi 30 và 40”.
Bác sĩ Goyal cho biết nếu bạn bắt đầu tập trung vào những thói quen lành mạnh sớm hơn, bạn có thể áp dụng chúng vào những ‘năm tháng vàng son’ của mình. Ngoài ra, khi bạn già đi, đừng tập trung quá nhiều vào con số.
Golden nói: “Tuổi theo thời gian không có ý nghĩa gì nhiều…, chính cảm giác của bạn mới tạo nên sự khác biệt chứ không phải con số đó”.
Nếu bạn ưu tiên các mối quan hệ, sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của mình, bạn sẽ luôn cảm thấy thoải mái cho dù bạn sinh vào năm nào, các chuyên gia cho biết.
(Nguồn: HuffPost)