6 hoá chất có thể gây béo phì, nhiều chất có trong vật dụng sử dụng hàng ngày
6 hoá chất có thể gây béo phì, nhiều chất có trong vật dụng sử dụng hàng ngày
Các chất hoá học có thể gây béo phì được tìm thấy trong các vật dụng gia đình hàng ngày như hộp đựng thực phẩm, đồ chơi, dụng cụ nấu nướng,...
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới béo phì, trong đó các hoá chất tồn tại trong các vật dụng mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày cũng có thể gây rối loạn hormone và dẫn tới tình trạng này. Các chất hoá học này làm tăng số lượng và lưu trữ chất béo trong tế bào mỡ, thay đổi tỷ lệ trao đổi chất và tốc độ sản xuất tế bào mỡ,... từ đó có thể dẫn tới béo phì.
Béo phì không đơn giản chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình, tình trạng này còn dẫn tới nhiều nguy cơ bệnh tật như bệnh tiểu đường loại 2, huyết áp cao, bệnh tim, ngưng thở khi ngủ, gan nhiễm mỡ, viêm xương khớp,...
Dưới đây là 6 hoá chất có thể gây béo phì mà các bạn nên lưu ý và hạn chế tiếp xúc nếu có thể.
1. Per- và Polyfluoroalkyl - PFAS
Per- và Polyfluoroalkyl (PFAS) có trong nhiều sản phẩm gia dụng thông thường, chẳng hạn như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, nhựa và chất tẩy rửa. Chất hoá học này cũng tạo ra bề mặt chống dính trên đồ nấu nướng, bảo vệ thảm và quần áo khỏi vết bẩn và tạo ra bọt giúp kiểm soát hỏa hoạn.
Hầu hết mọi người thường xuyên tiếp xúc với PFA. PFA còn được gọi là hoá chất vĩnh viễn và được biết là làm tăng nguy cơ béo phì. Điều này xảy ra là do chất PFA làm giảm tỷ lệ trao đổi chất khi nghỉ ngơi. Điều này làm giảm quá trình đốt cháy hoặc sử dụng calo. Những calo dư thừa này sau đó có xu hướng được lưu trữ dưới dạng mỡ.
Ngoài béo phì, chất hoá học này có làm rối loạn hormone và có liên quan đến tình trạng tăng cholesterol, các vấn đề về miễn dịch, ung thư,...
Để hạn chế tiếp xúc với chất PFAS, các bạn có thể tránh sử dụng các công cụ nấu ăn chống dính, cân nhắc tránh xa các loại vải có khả năng chống thấm nước và chống bẩn, sau khi sử dụng thuốc diệt cỏ hay thuốc sâu nên vứt bỏ đúng nơi quy định.
2. Bisphenol A (BPA)
BPA thường được sử dụng trong các hộp nhựa cứng đựng bình nước thể thao và hộp đựng thực phẩm, cũng như để lót hộp đựng thực phẩm. Tiếp xúc với BPA có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường và tim mạch, ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản,...
BPA làm tăng nguy cơ béo phì thông qua việc thay đổi con đường bình thường của nội tiết (con đường chuyển hóa) trong mô mỡ. BPA, một chất hóa học estrogen, có khả năng cản trở việc giải phóng adiponectin bằng cách liên kết với các thụ thể estrogen (alpha và beta).
Để tránh tiếp xúc với BPA, nên tránh sử dụng đồ nhựa (như hộp đựng thực phẩm), không cho đồ nhựa vào lò vi sóng hoặc máy rửa chén và sử dụng hộp đựng thủy tinh đựng thực phẩm và đồ uống khi có thể.
3. Phthalate
Phthalates thường sử dụng như chất làm dẻo và chất dẫn cho các thành phần mỹ phẩm, vì vậy những hóa chất này được thêm vào các vật liệu như sàn vinyl và hộp đựng thực phẩm. Hoá chất này cũng được tìm thấy trong nước hoa, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia dụng - chẳng hạn như kem dưỡng da, sơn móng tay, kem dưỡng da, dầu gội đầu và nước xịt phòng.
Chất hoá học này cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì và mắc các bệnh tim mạch chuyển hóa bằng cách can thiệp vào quá trình chuyển hóa glucose và lipid và thúc đẩy quá trình hình thành mỡ.
Thừa cân béo phì có thể dẫn tới bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu phát hiện ra rằng trẻ em mới được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường có nhiều phthalate trong cơ thể hơn trẻ em không mắc bệnh tiểu đường.
Một số cách giúp hạn chế tiếp xúc với phthalate như tránh các sản phẩm có mùi thơm hoặc có hương liệu, nên sử dụng hộp thuỷ tinh nếu có thể, tránh những vật dụng hoặc vật liệu có chứa nhựa PVC.
4. Tributyltin (TBT)
Tributyltin (TBT) là một loại hóa chất được sử dụng để diệt nấm, bảo quản gỗ và ngăn chặn các sinh vật dưới nước bám vào thuyền. Khi con người tiếp xúc với loại thuốc diệt nấm này, nó có thể phá vỡ hormone bằng cách ngăn chặn testosterone chuyển hóa thành estrogen. Nồng độ testosterone cao hơn có liên quan đến bệnh béo phì.
Ngoài ra, tác động cấp tính của TBT bao gồm những thay đổi về mức lipid máu, hệ thống nội tiết, gan và lá lách.
5. Paraben
Paraben là một nhóm hóa chất bảo quản các sản phẩm chăm sóc cá nhân như dầu gội, dầu xả, sữa rửa mặt và da, gel cạo râu, kem dưỡng ẩm, thậm chí chất hoá học này còn có thể có trong nước sốt, nước ngọt, mứt và xi-rô.
Nhưng việc sử dụng rộng rãi chúng trong các mặt hàng hàng ngày này khiến mọi người có nguy cơ tiếp xúc nhiều lần. Chúng là một loại chất gây rối loạn nội tiết có thể dẫn đến rối loạn sinh sản, làm tăng nguy cơ ung thư, ảnh hưởng đến tuyến giáp và có thể gây béo phì.
Paraben có chứa nhiều trong đồ chăm sóc cá nhân nên bạn cần chú ý, tìm các sản phẩm chăm sóc cá nhân có nhãn "không chứa paraben". Tránh các sản phẩm có chứa methylparaben, ethylparaben, propylparaben, butylparaben và các thành phần khác có đuôi "-paraben".
6. Atrazine
Atrazine là thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi, thường được tìm thấy trong nước mặt và nước ngầm.
Giống như BPA và phthalates, atrazine có tác dụng kháng androgen và estrogen. Atrazine cũng làm giảm việc sản xuất hormone luteinizing, một loại hormone liên quan đến sự phát triển và hoạt động tình dục.
Ngoài ra, các nghiên cứu trên động vật cho thấy việc tiếp xúc lâu dài với atrazine có thể làm tăng nguy cơ béo phì và kháng insulin, đặc biệt là khi liên quan đến chế độ ăn nhiều chất béo. Nguy hiểm hơn, chất hoá học này có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi, tăng nguy cơ tiểu đường và ung thư.