Công nghệ sinh học: Tương lai của ngành làm đẹp

Công nghệ sinh học sẽ là hướng đi bền vững, định hình ngành làm đẹp theo một cách nhân văn và trách nhiệm hơn.

Công nghệ sinh học: Tương lai của ngành làm đẹp

Trong cuộc đua tìm kiếm các giải pháp làm đẹp bền vững và thân thiện với môi trường, công nghệ sinh học nổi lên như một hướng đi đầy hứa hẹn. Thay vì phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhiều công ty mỹ phẩm hiện nay đã ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra các nguyên liệu bền vững trong phòng thí nghiệm. Thông qua quy trình lên men, biến đổi gen hoặc nuôi cấy tế bào gốc, những thành phần trước đây tưởng chừng chỉ có thể tìm thấy trong tự nhiên đã trở nên dễ tiếp cận hơn, có thể được tái tạo với số lượng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu khổng lồ của người tiêu dùng.


Nhiều thương hiệu đã đưa sản phẩm ứng dụng sinh học lên kệ, nổi bật nhất phải kể đến Biossance – thương hiệu chăm sóc da đến từ Mỹ, trực thuộc công ty công nghệ sinh học Amyris. Biossance được biết đến với dòng dưỡng da chứa squalane (hoạt chất làm mềm và dưỡng ẩm da) được chiết xuất từ mía thay vì gan cá mập. Tập đoàn L’Oréal giới thiệu enzyme endolysin, một thành tựu quan trọng nhắm vào hệ vi sinh vật trên da để giải quyết bệnh chàm. Loại enzyme mới này hiện được hãng dược mỹ phẩm La Roche-Posay ứng dụng trong công nghệ endobioma, dành riêng cho các sản phẩm chăm sóc những làn da siêu nhạy cảm, dễ kích ứng. Năm 2025 được dự đoán sẽ là thời điểm bùng nổ với sự ra đời của nhiều thành phần sinh học mới mẻ. Điển hình là malassezin – một chất thay thế ít gây kích ứng hơn vitamin C, hay naringenin – hoạt chất có hiệu quả vượt trội hơn so với niacinamide trong việc giảm viêm và phục hồi da.

La Roche-Posay Lipikar Eczema Cream: Kem dưỡng chứa thành phần endobioma – một dẫn xuất chống lại vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn Staphylococcus Aureus. Sản phẩm cải thiện các triệu chứng ngứa rát, kích ứng của làn da bị chàm.

Trong quá khứ, chỉ những tập đoàn lớn như L’Oréal, Givaudan hay Estée Lauder mới đủ nguồn lực để khai thác công nghệ sinh học trong việc nâng cao hiệu quả sản phẩm và phát triển nguyên liệu mới. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong khoa học, ngày nay, công nghệ sinh học đã trở nên dễ tiếp cận hơn, mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu nhỏ. Evolved by Nature, một công ty khoa học đời sống nhỏ thành lập năm 2013, đã tạo nên bước ngoặt trong ngành làm đẹp nhờ tận dụng kén tằm để làm nên một loại peptide dưỡng da mới. Trước đây, peptide thường được sản xuất từ dầu mỏ hoặc hóa chất nhân tạo, gây nhiều tác động xấu đến hệ sinh thái. Bằng công nghệ sinh học, công ty Evolved by Nature đã tái chế những chiếc kén để tạo ra Activated Silk™ – một loại peptide hoạt tính mang lại hiệu quả dưỡng da tốt và rất thân thiện với môi trường.

Future Society Solar Canopy: Nước hoa tái hiện hương thơm của hibiscadelphus wilderianus, loài hoa đã được xem là tuyệt chủng từ năm 1912 do nạn phá rừng ở hòn đảo Hawaii.

Ngành công nghiệp nước hoa toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào các nguyên liệu thô, thứ đang có nguy cơ cạn kiệt vì biến đổi khí hậu, chẳng hạn như gỗ đàn hương, nghệ tây, cỏ hương bài… Mặt khác, một số mùi hương có nguồn gốc từ động vật như xạ hương đang bị hạn chế khai thác bởi những tranh cãi về đạo đức. Những thách thức này từng đặt ra bài toán nan giải cho các nhà hóa học trong hành trình tái tạo hương liệu tự nhiên, cho đến khi công nghệ sinh học xuất hiện như “ánh sáng cuối đường hầm”.

Biossance Squalane + Copper Peptide Rapid Plumping Serum: Tinh chất nuôi dưỡng và làm săn chắc da bằng hỗn hợp squalane, peptide và ectoin – phân tử dưỡng ẩm bảo vệ da khỏi tác nhân môi trường.

Givaudan – đối tác hương thơm của Gucci, Lancôme và Jean Paul Gaultier – là công ty tiên phong tái hiện những nguyên liệu tự nhiên trong phòng thí nghiệm. Họ đã tạo ra dreamwood, một phiên bản gỗ đàn hương được nuôi cấy, không chỉ giữ trọn hương vị ấm áp và sang trọng đặc trưng của phiên bản tự nhiên mà còn mang tính bền vững cao hơn. Thành phần này đã xuất hiện trong những dòng nước hoa đình đám như Jean Paul Gaultier Scandal Le Parfum hay Rabanne Fame. Givaudan còn phát triển nốt hương Ambrofix, thành phần mang mùi thơm đặc trưng của hổ phách nhưng được chiết xuất từ mía. Nó là nốt hương chủ đạo trong dòng nước hoa Diptyque Tempo. Future Society, một thương hiệu mỹ phẩm xuất xứ tại Mỹ, cũng gây được tiếng vang khi hợp tác với đại học Harvard để giải cấu trúc DNA của các loài hoa đã tuyệt chủng và tái hiện mùi hương của chúng trong dòng nước hoa chủ chốt của mình.

Lancôme Idôle Now: Được phát triển từ phiên bản Idôle, Idôle Now chứa nốt hương chính là hoa hồng nhưng được bổ sung hoa lan Malaysia và vanilla. Tinh chất vanilla được tạo ra từ nguyên liệu tái chế thông qua công nghệ sinh học.
Shiseido Essential Energy Hydrating Cream: Kem dưỡng chứa axit hyaluronic từ vi khuẩn Streptococcus Zooepidemicus. Phát kiến ứng dụng công nghệ sinh học của thương hiệu đã được cấp bằng sáng chế từ hơn 35 năm trước.
Diptyque Tempo: Một mùi hương vượt ngoài khuôn khổ, với nốt hương chủ điểm là hoắc hương gợi cảm, thảo mộc the đắng và xô thơm sâu lắng.