Những điểm đến du khách không thể bỏ qua ở Điện Biên
Những điểm đến du khách không thể bỏ qua ở Điện Biên
Là tỉnh duy nhất của cả nước có chung đường biên với với cả 2 quốc gia là Lào và Trung Quốc, Điện Biên không chỉ là điểm hẹn lịch sử hấp dẫn du khách bởi những di tích gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ mà còn là điểm đến thân thiện về du lịch văn hóa của 19 dân tộc cùng sinh sống.
Dưới đây là 7 điểm đến mà du khách không thể bỏ lỡ nếu có dịp ghé thăm Điện Biên.
Cực tây A Pa Chải
Nằm trên đỉnh núi Khoang Là San, là cột mốc ngã ba biên giới giao điểm giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Đến đây, du khách sẽ được ngắm cảnh núi non hùng vĩ, những dãy núi như tuôn chảy dài miên man xanh ngắt. A Pa Chải được du khách đánh giá là 1 trong những điểm đến thú vị mà cũng đầy thách thức bởi chặng đường lên đây vẫn còn hoang sơ.
Chinh phục cực tây A Pa Chải mang lại cho du khách niềm tự hào, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc (ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên)
Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ
Tọa lạc trên đường Võ Nguyên Giáp, đối diện Nghĩa trang liệt sĩ A1, nhà trưng bày của bảo tàng lưu giữ hơ 1000 tài liệu, hiện vật cùng với những cảnh quan, cảnh tượng lịch sử tái hiện lại cuộc chiến đấu đầy gian khổ nhưng cũng rất hào hùng của quân và dân ta. Hùng tráng, kỳ vĩ và đầy cảm xúc tự hào là cảm nhận của bất kỳ du khách nào khi được chiêm ngưỡng bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Đây là bức tranh về lịch sử hoành tráng, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam với diện tích tổng thể lên đến 3225 m2.
Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được thiết kế như hình một chiếc mũ nan lưới, phủ lá ngụy trang của chiến sĩ Điện Biên năm xưa (ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên)
Bức tranh Panorama hoành tráng, tái hiện chân thực những khoảnh khắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ (ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên)
Cánh đồng Mường Thanh
Là cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc với diện tích trên 4000 ha, trải rộng khắp lòng chảo Điện Biên. Vào mùa lúa chín, từ trên cao nhìn xuống cánh đồng như một “thung lũng vàng”. Đặc sản của cánh đồng chính là những hạt gạo Điện Biên, với hạt nhỏ đều, chắc, có vị ngọt đậm cùng hương thơm nhẹ và độ dẻo cao. Đây cũng chính là món quà mỗi vị khách phương xa đều muốn mua về làm quà cho người thân.
Cánh đồng Mường Thanh nổi tiếng qua câu nói “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” (ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên)
Ruộng bậc thang Tủa Chùa
Với nhiều tín đồ du lịch, mùa lúa chín là thời điểm đẹp nhất trong năm để “xách ba lô lên và đi”. Đặc biệt với những tín đồ yêu thích “săn” ảnh, ruộng bậc thang huyện Tủa Chùa là một địa điểm không thể bỏ lỡ. Đến Tủa Chùa vào dịp tháng 4, tháng 5 là mùa nước đổ hoặc tháng 9, tháng 10 là mùa lúa chín. Được phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang vàng ươm hoà quyện với những ngôi nhà sàn lác đác, khung cảnh này sẽ thoả mãn những tín đồ yêu nhiếp ảnh khó tính nhất.
Những thửa ruộng bậc thang ở Tủa Chùa vào mùa lúa chín (ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên)
Lễ hội té nước Bun Huột Nặm
Tết té nước Bun Huột Nặm là một lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Lào. Từ năm 2015 Tết té nước đã được cộng đồng bản Na Sang (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên) phục dựng tổ chức vào đúng thời điểm Tết truyền thống của dân tộc Lào (từ ngày 14 đến 16 tháng 4 hàng năm), góp phần tái hiện nếp sống và phong tục của người dân nơi đây.
Lễ té nước Bun Huột Nặm được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2017 (ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên)
Tỉnh Điện Biên không chỉ sở hữu những hệ thống hang động kỳ vĩ, nguồn nước khoáng nóng và hồ nước trải khắp tạo nên vẻ đẹp tự nhiên hấp dẫn. Vài năm trở lại đây, du lịch cộng đồng ở Điện Biên cũng rất phát triển, đến với mảnh đất này du khách còn có thể tìm hiểu văn hóa của 19 dân tộc anh em, hòa mình vào không gian sống giàu sắc thái bản địa vùng cao Tây Bắc.