Tái tạo ngực có làm tăng nguy cơ tái phát, di căn ung thư?
Tái tạo ngực có làm tăng nguy cơ tái phát, di căn ung thư?
Tôi đã điều trị ung thư vú giai đoạn một, sức khỏe ổn định, dự định tái tạo ngực. Các phương pháp tái tạo ngực có làm tăng nguy cơ tái phát hoặc di căn không? (Bích Hằng, Quảng Nam)
Trả lời:
Cho đến hiện nay, tất cả bằng chứng y khoa đều cho thấy tái tạo ngực không làm tăng nguy cơ tái phát và di căn. Phương pháp tái tạo ngực cũng không cần phương tiện theo dõi nào đặc biệt, ngoài các phương tiện chẩn đoán hình ảnh thông thường áp dụng trong chẩn đoán và theo dõi ung thư vú như siêu âm, nhũ ảnh, cộng hưởng từ. Việc mất đi "vòng một" ở độ tuổi còn trẻ sau điều trị ung thư vú có thể khiến phụ nữ cảm thấy mặc cảm, thiếu tự tin trong cuộc sống. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại, sau đoạn nhũ, bệnh nhân có thể được tái tạo ngực, khôi phục lại hình dáng và kích thước đẹp hài hòa, mềm mại, không kém phần tự nhiên.
Phẫu thuật tái tạo ngực là phẫu thuật tạo hình lại tuyến vú sau cắt bỏ toàn bộ tuyến vú (đoạn nhũ) để điều trị ung thư vú. Phương pháp này giúp lấy lại dáng ngực, xóa bỏ mặc cảm bệnh tật và khiếm khuyết cơ thể. Người bệnh không phải sử dụng áo ngực có bộ phận ngực giả, mặc trang phục vừa và đẹp hơn. Cơ thể trở nên cân bằng, tự tin trong đời sống hôn nhân, nâng cao chất lượng sống.
Có hai kỹ thuật chính để tái tạo ngực sau đoạn nhũ là tái tạo bằng túi độn và tái tạo bằng mô tự thân. Một số trường hợp có thể kết hợp cả hai. Việc lựa chọn phương pháp tái tạo sẽ dựa trên nhiều yếu tố như: tình trạng sức khỏe, kích thước ngực trước phẫu thuật và ngực đối bên, thể tích mô vú đã cắt bỏ, mô tự thân hiện có và mong muốn riêng của từng người bệnh.
Trong vòng 6-8 tuần sau phẫu thuật tái tạo ngực, người bệnh cần tránh hoạt động mạnh, tránh tham gia các hoạt động thể thao. Sau 2-3 tháng, người bệnh có thể quay lại sinh hoạt bình thường.
Phẫu thuật tái tạo ngực có thể gây ra một số tai biến và biến chứng như nhiễm trùng, tắc mạch ghép, thoát vị thành bụng khi không thực hiện đúng kỹ thuật, điều kiện khu phẫu thuật không đảm bảo vô khuẩn, chăm sóc vết thương sau phẫu thuật sai cách... Theo đó, để đảm bảo an toàn, phẫu thuật tái tạo ngực cần được thực hiện tại các bệnh viện lớn, có trang thiết bị hiện đại, đội ngũ gây mê hồi sức chuyên nghiệp và các phẫu thuật viên tạo hình đã được đào tạo về kỹ thuật tái tạo ngực.