Chỉ có việc ở nhà cơm nước chăm con mà vợ tôi lúc nào cũng nổi giận
Chỉ có việc ở nhà cơm nước chăm con mà vợ tôi lúc nào cũng nổi giận
Lá thư của một người đàn ông vẫn còn trẻ, có trách nhiệm, có tài sản, lo được cuộc sống sung túc cho vợ con nhưng vẫn đượm buồn.
"Tôi năm nay 38 tuổi, học hành bình thường. Sau khi cưới vợ, tôi làm việc trong một nhà máy rồi đứng ra để mở cửa hàng riêng. Cuộc sống khá đủ đầy về kinh tế.
Chúng tôi có ba đứa con, vợ toàn thời gian ở nhà chăm sóc chúng. Vốn dĩ trước đây cả hai cùng kiếm tiền nuôi con, chăm chỉ lo việc nhà và mưu sinh thì chẳng có chuyện gì. Tự nhiên trở nên giàu có nên mối quan hệ vợ chồng tôi lại ngày càng trở nên xấu đi. Vợ tôi chẳng có việc gì ngoài ở nhà chăm sóc gia đình và các con, nhưng cô ấy lại thường mất bình tĩnh vô cớ.
Đồ ăn buổi tối hơi mặn nên tôi góp ý, vậy mà cô ấy trở mặt ngay, cục cằn đáp: "Muối cũng là tiền đấy. Không ăn thì biến". Tôi mà nói lại vào lúc này, kiểu gì vợ cũng lật cả mâm cơm xuống đất. Cô ấy như vậy không phải là bị bệnh sao? Hàng ngày vợ cũng rất hay kiếm chuyện để mắng mỏ tôi, quát con ầm ĩ nhà cửa lúc tôi về.
Điều này khiến tôi rất chán nản. Vợ chồng ở bên nhau cả đời, thâu đêm suốt sáng, tôi chỉ mong gia đình đầm ấm, có thể cùng nhau ngồi ăn bữa cơm vui vẻ, hàn huyên tâm sự. Cô ấy cứ thế này tôi càng ngày càng sợ ở nhà hơn. Người ta thì vất vả ra ngoài kiếm cơm khi về vẫn lo việc nhà cửa tươm tất, vợ tôi thì chỉ có việc ở nhà cũng khiến bố con tôi phát khiếp. Cô ấy bị làm sao vậy? Tôi nên làm gì để giải quyết chuyện này?".
Lá thư của một người đàn ông vẫn còn trẻ, có trách nhiệm, có tài sản, lo được cuộc sống sung túc cho vợ con nhưng vẫn đượm buồn. Câu hỏi đặt ra là, tại sao lúc cùng nhau chịu đựng gian khổ thì được mà lại không thể cùng nhau hưởng hạnh phúc?
Sau khi giàu có, người ta sẽ nảy sinh nhiều tư tưởng mới, cách nghĩ mới. Anh chồng vẫn ra ngoài đều đặn kiếm tiền, nhưng cô vợ đã rút về hậu phương, không còn sát cánh cùng chồng trong việc lo cho kinh tế gia đình nữa. Sự thay đổi này có thể hình thành nên các thái cực "vinh, nhục" - người kiếm được tiền lại phát sinh cách hành xử "bề trên", người ở nhà phụ thuộc nên sớm cảm thấy mình vô dụng, trong lòng bất an và bế tắc.
Mối quan hệ giữa hai người ban đầu rất bình đẳng, nhưng khi sự nghiệp của người chồng thành công, thu nhập tăng lên, người vợ dễ rơi vào cảm giác bất an mơ hồ, thấy mình tầm thường, chỉ quanh quẩn với việc nhà, lo mình già, lo mình xấu, những nỗi lo muôn thuở của phụ nữ cứ đeo bám mà không được giải tỏa khiến tâm lý của cô ấy trở nên nặng nề.
Có lẽ người vợ trong hoàn cảnh này cần một chút tác động tích cực hơn từ người chồng để cô ấy an tâm. Thay vì suy nghĩ "người ta thì vất vả ra ngoài kiếm cơm khi về vẫn lo việc nhà cửa tươm tất, vợ tôi thì chỉ có việc ở nhà cũng khiến bố con tôi phát khiếp", những ông chồng kiếm được tiền có vợ ở nhà "chồng nuôi" nên đặt mình vào vị trí của vợ để hiểu cô ấy đang nghĩ gì. Hãy tỏ ra trân trọng, biết ơn hơn với những gì cô ấy đang làm cho gia đình, để cô ấy hiểu rằng cô ấy đang làm rất tốt và hoàn toàn không phải người vô dụng. Để có được những gì của hôm nay cũng là nhờ một phần vào sự chung vai gánh vác của cô ấy trước kia, và gia đình bạn, mỗi ngày, đều vẫn đang cần bàn tay của cô ấy để có thể vận hành trơn tru như vậy.
Một số giải pháp khác để xoa dịu sự bất an của cô ấy là đăng ký tài sản do vợ đứng tên để xóa đi nỗi lo lắng bất an của cô ấy, đưa vợ đi tụ tập bạn bè nhiều hơn, thậm chí xem xét lại cả việc để cô ấy cùng đi làm ăn, buôn bán, không vì gánh nặng mưu sinh như trước kia, mà là để cô ấy vui và cảm thấy mình có quyền kiểm soát nhất định đối với tài chính gia đình.
Một khả năng khác là người chồng đã quá bận rộn với công việc mà lơ là giao tiếp với vợ. Vợ càng muốn giao tiếp, muốn thu hút sự chú ý của chồng thì càng dễ nóng nảy, mất bình tĩnh, trong khi anh chồng lại thấy mệt mỏi và không muốn giao tiếp, chịu đựng và né tránh giao tiếp với vợ. Cả hai không ai sai nhưng lại rơi vào vòng luẩn quẩn, "đi trốn nhưng không có ai tìm".