Bác sĩ tim mạch chỉ ra 3 thực phẩm "đánh bay" mỡ máu xấu, bảo vệ trái tim
Bác sĩ tim mạch chỉ ra 3 thực phẩm "đánh bay" mỡ máu xấu, bảo vệ trái tim
Mới đây, một bác sĩ tim mạch chia sẻ 3 thực phẩm giúp giảm mỡ máu, bảo vệ trái tim hiệu quả.
Tiến sĩ Elizabeth Klodas, một bác sĩ tim mạch tại Mỹ, là một người yêu thích các thực phẩm giàu chất xơ. Mới đây, cô giải thích với tờ Express về lý do tại sao những thực phẩm giàu chất xơ lại tốt cho sức khỏe.
"Là một bác sĩ tim mạch, tôi luôn nói với các bệnh nhân rằng việc giảm cholesterol 'xấu' LDL [lipoprotein tỷ trọng thấp] có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch", tiến sĩ Klodas cho biết.
"Nhiều loại thực phẩm có chất xơ hòa tan, giúp liên kết cholesterol trong hệ thống tiêu hóa và kéo chúng ra khỏi cơ thể trước khi chúng được đưa vào hệ tuần hoàn".
Do vậy, tiến sĩ Klodas khuyên bạn nên kết hợp yến mạch vào chế độ ăn của mình.
Tiến sĩ Klodas cho biết: "Tôi luôn dự trữ yến mạch trong bếp và thường ăn nửa cốc mỗi ngày".
"Chúng không chỉ giàu chất xơ mà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, bao gồm cả những chất giúp cải thiện chức năng mạch máu và hạ huyết áp".
Mặc dù yến mạch có thể trở thành một phần của bữa sáng lành mạnh, nhưng có một loại thực phẩm giàu chất xơ khác nên có trong bữa trưa và bữa tối. Đó chính là đậu gà. Đây là loại đậu lý tưởng cho món salad, món hầm và món cà ri.
Tiến sĩ Klodas phân tích: "Chúng chứa nhiều kali và magiê, cả hai đều quan trọng với việc kiểm soát huyết áp. Một cốc đậu gà có gần 15 gram protein, 12 gram chất xơ và 1/4 nhu cầu sắt hàng ngày của một người".
Đối với việc ăn vặt, tiến sĩ Klodas khuyến nghị ăn một nắm hạnh nhân vì nó có thể cung cấp chất xơ, protein và vitamin E.
Tổ chức Tim mạch Anh (BHF) cho biết: "Nếu bạn có cholesterol cao, điều quan trọng nhất là ăn ít chất béo bão hòa. Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa là thịt mỡ và thịt đã chế biến, bánh nướng và bánh ngọt, bơ, kem và dầu dừa".
Bạn có thể thực hiện một vài thay đổi đơn giản trong chế độ ăn để giúp giảm mức cholesterol.
BHF giải thích: "Cách tốt nhất để cải thiện chế độ ăn là chuyển từ các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa sang các thực phẩm chứa nhiều chất béo không bão hòa".
Ví dụ, bạn có thể chuyển từ bơ (có nhiều chất béo bão hòa) sang dầu thực vật, chẳng hạn như dầu hướng dương hoặc dầu hạt cải.
Nếu bạn là người ăn thịt, bạn có thể thay thế thịt băm thông thường bằng các lựa chọn ít chất béo hơn. Tốt hơn hết, bạn có thể đổi thịt đỏ hoặc thịt đã qua chế biến sang cá, thịt gà không da.
Các thực phẩm có nguồn gốc thực vật cũng tốt hơn thịt đỏ, chẳng hạn như đậu lăng, đậu nành...
(Nguồn: Express)