Cách quảng bá ẩm thực Việt sau lễ hội phở đầu tiên ở nước ngoài
Cách quảng bá ẩm thực Việt sau lễ hội phở đầu tiên ở nước ngoài
Lễ hội Phở Việt Nam vừa có lần đầu tiên được tổ chức tại Nhật Bản, cũng là lần đầu tiên một lễ hội về phở được tổ chức ở nước ngoài. Sự thành công của lễ hội này cũng sẽ mở ra cơ hội cho nhiều lễ hội ẩm thực Việt Nam tương tự được tổ chức tại các quốc gia khác.
Lễ hội Phở Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Nhật Bản đã được nhiều người dân Nhật Bản cũng như cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản ngóng chờ, đặc biệt là những người Nhật Bản yêu thích phở Việt Nam. Họ ngóng chờ được thưởng thức hương vị nguyên bản của phở với bánh phở tươi, nước dùng được hầm từ xương, chế biến cùng các gia vị đặc trưng. Ngoài ra, mọi người mong muốn xem quy trình chế biến phở sẽ như thế nào.
Lễ hội đã đón Chủ tịch Đảng Công Minh - ông Yamaguchi Natsuo, có cả Nghị sĩ, nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio… đến tham dự và trực tiếp thưởng thức phở. Những vị khách quý này đã từng thưởng thức phở ở Việt Nam, nhưng ăn phở nguyên bản Việt Nam trên đất Nhật Bản là dịp hiếm có. Nhiều người Nhật Bản đã từng sống ở Việt Nam còn cảm thấy hào hứng vì lâu lắm mới ăn phở như ở Việt Nam. Ông Yamaguchi Natsuo ví von mỗi loại phở là một nốt nhạc, tạo nên bản “Giao hưởng Phở” giành tặng cho tất cả người dân hai nước.
Cảm nhận món ăn một cách chân thực
Sự kiện Phở, hay còn gọi là Ngày của Phở 12/12 được tổ chức từ năm 2017 với sự đề xướng của báo Tuổi trẻ, và sự kiện này đã được tổ chức nhiều nơi tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới.
Lần này tại Nhật Bản, phở Việt Nam đến từ các vùng miền khác nhau, với các thương hiệu như Phở Dậu, Bà Bán Phở Hai Thiền, Phở Phú Gia, Phở ‘S, Phở Sen SASCO, Phở Ta – Bình Tây Food, Phở Thìn Bờ Hồ, phở khách sạn Majestic Sài Gòn, phở khách sạn Grand Saigon, phở nhà hàng sân golf Thủ Đức (VGCC)... Mỗi gian hàng Phở đều mang lại những hương vị khác nhau, với cách chế biến khác nhau, qua đó, người dân Nhật Bản có thể cảm nhận được vị phở một cách chân thực.
Nếu như Phở Thìn Bờ Hồ được biết đến như thương hiệu quen thuộc của người dân Hà Nội, thì Phở Sen SASCO có hương vị đặc trưng với các loại bánh phở không chỉ làm từ gạo mà còn có thêm nguyên liệu từ củ sen, trà xanh… Trong khi đó Phở Dậu xuất xứ từ Nam Định có đặc trưng nước lèo rất trong và thanh, hương vị khác biệt. Đặc biệt, phở Dậu được ăn kèm với một phần hành tây trộn sốt. Như vậy người dân Nhật Bản đã có thể hiểu thêm về phở Việt Nam là món ăn truyền thống, nhưng cũng luôn sáng tạo đổi mới.
Cần thêm các sự kiện ẩm thực ở nước ngoài
Nền ẩm thực Việt Nam đã được khẳng định về sự đa dạng, với nhiều loại gia vị được sử dụng tạo thêm nét đặc trưng. Là đất nước trong vùng khí hậu á nhiệt đới nên các nguyên liệu để chế biến thức ăn từ rau củ quả, thịt cá tại Việt Nam cũng vô cùng phong phú, lại được giao thoa từ văn hóa Trung Quốc, Pháp… nên cách chế biến cũng hợp khẩu vị với nhiều người.
Các chuyên gia cho rằng để quảng bá hiệu quả, trước khi diễn ra tại nước ngoài thì các lễ hội ẩm thực cần được tổ chức quy mô lớn và thường xuyên ở trong nước. Khi đó, “tiếng lành sẽ đồn xa” và tạo được thương hiệu cho các món ăn. Gần đây các lễ hội phở đã được tổ chức ở Hà Nội, Nam Định... nhưng chưa thường xuyên.
Hơn nữa món ăn Việt Nam không chỉ dừng lại là phở, là nem, là bún chả, mà mỗi địa phương đều có món ăn đặc sắc riêng. Nét đặc sắc ấy tạo nên sự phong phú, để cho người nước ngoài thấy Việt Nam có rất nhiều món ngon, có cả món ăn từ cung đình đến bình dân, từ ẩm thực miền núi tới đồng bằng… Chính vì vậy, Lễ hội ẩm thực Việt Nam tại nước ngoài nên là sự kiện quốc gia, được tổ chức định kỳ ở từng khu vực trên thế giới, hoặc những quốc gia đối tác quan trọng, bởi đây là sự gần gũi và dễ hiểu nhất giúp giao lưu nhân dân được rộng mở.
Học theo người Nhật Bản
Nhật Bản là quốc gia đã lan tỏa rất nhiều món ăn ra khắp thế giới. Có thể kể đến những món ăn rất phổ biến của “xứ hoa anh đào” như sushi, mì ramen hay tempura. Trong đó, món udon hay ramen (mì) của Nhật Bản có sự gần gũi với món phở Việt Nam. Nói đến men-nghĩa là các loại mì làm từ những nguyên liệu khác nhau thì cực kỳ phong phú, có tới hàng trăm loại mì khác nhau. Nhưng có một điểm chung là mì truyền thống của Nhật Bản cũng giống bánh phở của Việt Nam là chủ yếu làm từ gạo hoặc bột mì.
Món mì Nhật Bản có lẽ đã nổi tiếng trên toàn thế giới. Rất nhiều khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản chỉ để thưởng thức mì và các quán mì nổi tiếng thường phải đặt trước. Đây cũng là điều mà Việt Nam khi quảng bá ẩm thực phải quan tâm tới yếu tố độc, lạ nhưng ngon và duy nhất.
Các đầu bếp cũng phải rất chuyên nghiệp. Đối với những cửa hàng nổi tiếng ở Nhật Bản như món sushi chẳng hạn, người Nhật Bản đều liên tưởng tới Sushiro hoặc Janmai với thực phẩm tươi sống hàng đầu và dịch vụ tuyệt vời. Hệ thống nhà hàng được trải dài toàn quốc, không giới hạn ở một địa phương nào. Còn đối với những món ăn đặc sản địa phương, vào ngày cuối tuần, các địa phương đều đem đến những nhà ga đông đúc của Tokyo hay các thành phố lớn khác để bán. Họ quảng cáo món ăn một cách trực tiếp chứ không chỉ qua báo chí, internet hay tờ rơi, để thực khách cảm nhận hương vị món ăn một cách chân thực.