Khai ấn đền Trần, hội đền Bà Chúa Kho... và 10 lễ hội thú vị, độc đáo diễn ra trong "tháng ăn chơi"
Khai ấn đền Trần, hội đền Bà Chúa Kho... và 10 lễ hội thú vị, độc đáo diễn ra trong "tháng ăn chơi"
Trong tháng Giêng, có rất nhiều lễ hội mang đậm tính văn hóa cổ truyền được tổ chức. Những lễ hội này cách Hà Nội không xa, du khách có thể tìm về vãn cảnh đầu năm cũng như cầu tài, cầu lộc.
1. Hội chùa Hương (6 tháng Giêng)
Cách không xa trung tâm Hà Nội, Lễ hội chùa Hương hàng năm diễn ra tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Ngày khai hội vào mùng 6 Tết, thời gian mùa hội kéo dài đến tháng 3 Âm lịch. Thông thường, từ Rằm tháng Giêng đến 18/2 Âm lịch sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa. Quần thể chùa Hương có nhiều công trình kiến trúc rải rác trong thung lũng suối Yến gồm đền Trình, chùa Thiên Trù, động Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Trần Song, động Hương Tích, chùa Hinh Bồng.
Nơi đây là một trong 21 Khu du lịch Quốc gia của Việt Nam và là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2017. Hàng năm, không kể ngày lễ Tết hay khai hội đầu năm, chùa Hương đều thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đổ về vãn cảnh, thăm thú, lễ chùa.
2. Hội đền Gióng (6 - 8 tháng Giêng)
Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm ở Hà Nội nhằm tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng trong truyền thuyết Thánh Gióng - 1 trong những "tứ bất tử" của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Tại Hà Nội có 2 hội Gióng chính là hội Gióng Sóc Sơn (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) và hội Gióng Phù Đổng (diễn ra ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm). Nơi đây được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hội đền Gióng tại xã Phù Linh diễn ra từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng. Trong ba ngày lễ có nhiều nghi lễ truyền thống như lễ rước, khai quang, dâng hương, dâng hoa tre. Đặc biệt, vào ngày mùng 7 có phần rước voi đặc sắc được nhiều người theo dõi.
3. Hội chùa Đậu (8 - 10 tháng Giêng)
Từng được mệnh danh là "Đệ nhất danh lam" của Hà Nội, có lịch sử lâu đời lên đến 2000 năm, chùa Đậu là một trong những địa điểm tâm linh được nhiều người tìm về dâng hương, chiêm bái. Tại chùa Đậu có lưu giữ nhục thân Bồ tát của hai vị thiền sư tu hành đắc đạo là Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường là trụ trì trong thế kỷ 17. Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ được nhiều hệ thống bia cổ, gạch thời Mạc có chạm khắc hình rồng, cá hoa long sắc sảo, đặc biệt là đôi rồng đá ở thềm nhà tiền đường cùng sách quý bằng đồng.
Lễ hội chùa Đậu được tổ chức từ ngày mùng 8 đến mùng 10 tháng Giêng thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tới tham dự. Mọi người đến chùa Đậu để cầu một năm mới bình an, thuận hòa, làm ăn tấn tới tựa như cái tên của chùa.
4. Hội đền Cổ Loa (6 - 16 tháng Giêng)
Tại đền thờ An Dương Vương, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội diễn ra hội Cổ Loa từ ngày mùng 6 đến 16 tháng Giêng. Khai hội bắt đầu từ sáng mùng 6 Tết bằng đám rước, sau đó là màn tế lễ, rước thần của các xóm. Lễ hội Cổ Loa kéo dài tới sau Rằm tháng Giêng mới làm lễ tạ và kết hội. Lễ hội mang ý nghĩa tưởng nhớ An Dương Vương - người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa.
5. Hội Yên Tử ( 10 tháng Giêng)
Từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch hằng năm, lễ hội Yên Tử diễn ra thu hút khách du lịch từ mọi miền đất nước. Lễ hội bắt đầu bằng các nghi lễ được tổ chức long trọng ở chân núi Yên Tử. Sau đó là cuộc hành hương lên ngôi chùa nằm chót vót trên đỉnh núi - chùa Đồng.
Khi tham gia lễ hội, du khách sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị tham quan chùa Đồng nằm ở độ cao 1068m so với mặt nước biển, chiêm ngưỡng ngọn tháp bằng đá cao 3 tầng được xây dựng từ năm 1758, ghé suối Giải Oan nghe câu chuyện về lòng trung thành của hàng trăm cung nữ, vãn cảnh Tháp Tổ, chùa Hoa Yên, chùa Bảo Sái, chùa Một Mái,...
6. Hội đền Sái (11 tháng Giêng)
Hàng năm, để tưởng nhớ thần Huyền Thiên Trấn Vũ giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa, người dân Thụy Lâm đều tổ chức lễ rước tại đền Sái vào ngày 11 tháng Giêng. Tương truyền, lễ hội có lịch sử lâu đời hàng nghìn năm. Để nhớ ơn công đức của thần, nhà vua đã cho dựng đền Sái trên núi Thất Diệu sơn và hàng năm đều xa giá về để bái tế.
7. Hội đền Hai Bà Trưng (4 - 10 tháng Giêng)
Từ mùng 4 đến mùng 10 tháng Giêng hàng năm, tại đền Hai Bà Trưng, Mê Linh, Hà Nội đều diễn ra lễ kỷ niệm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Lễ hội được tổ chức vào đầu năm để tưởng nhớ công ơn của hai vị nữ anh hùng Trưng Trắc và Trưng Nhị. Năm Giáp Thìn 2024, Lễ khai hội được diễn ra vào buổi tối với sự xuất hiện của màn trình chiếu 3D mapping đặc sắc.
Điểm nhấn trong lễ hội là phần rước kiệu vào mùng 6. Kiệu Trưng Trắc đi trước sau đó khi qua cổng đền thì kiệu Trưng Nhị lên dẫn đầu, thể hiện ý nghĩa “Nội gia tỉ muội, ngoại quốc quân thần”.
8. Hội chùa Keo (4 - 7 tháng Giêng)
Lễ hội chùa Keo diễn ra từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 7 tháng Giêng tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình với nhiều hoạt động văn hoá tâm linh. Lần đầu tiên, tại ngôi chùa hơn 400 tuổi tổ chức rối cạn chầu Thánh và khai bút ban chữ đầu năm.
Sau khi khai hội vào sáng mùng 4 Tết, người dân địa phương cùng du khách sẽ tham gia phần hội với nhiều trò chơi như thi bắt vịt, múa rối nước, hát giao duyên, thổi cơm thi,...
9. Hội đền Bà Chúa Kho (10 tháng Giêng)
Từ ngày 10 tháng Giêng hàng năm trở ra, dân chúng khắp nơi đổ về đền Bà Chúa Kho ở Cổ Mễ, Bắc Ninh để cầu tài, cầu lộc. Mặc dù trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, có nhiều Bà Chúa Kho nhưng đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh là một trong những địa điểm nổi tiếng được du khách thập phương tìm đến.
Tương truyền, Bà Chúa Kho được phụng thờ tại Cổ Mễ, Bắc Ninh là Lý Châu Nương coi kho Phụng Thiên, tự ải trong cuộc chiến chống quân xâm lược được vua truy tặng là "Quản trưởng Quốc khố công chúa". Di tích đền Bà Chúa Kho được công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1989. Nơi đây là chốn tâm linh, hàng năm thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước tới chiêm bái, tham quan và xin lộc làm ăn.
10. Hội Côn Sơn (14 tháng Giêng)
Khu di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc được coi là trung tâm văn hóa, lịch sử lớn trong số 133 di tích xếp hạng quốc gia của Việt Nam. Vào mùa xuân hàng năm, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc được tổ chức thut hút nhiều người dân hướng về.
Lễ hội Côn Sơn diễn ra từ ngày 14 - 23 tháng Giêng. Trong đó ngày khai hội diễn ra lễ tế tại núi Ngũ Nhạc vào 16 tháng Giêng. Còn lễ hội Côn Sơn được tổ chức vào mùa thu (10 - 20/ 8 Âm lịch) để tưởng nhớ ngày mất của Trần Quốc Tuấn và tưởng niệm ngày mất Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
11. Hội Lim (13 tháng Giêng)
Hội Lim là một trong những lễ hội ngày Tết truyền thống nổi tiếng của người dân Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Hội Lim được tổ chức trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh và được xem là tinh hoa của văn hóa vùng Kinh Bắc.
Hội Lim được chuẩn bị tập duyệt cẩn thận, chu đáo từ ngày 9, 10 Âm lịch, sau đó diễn ra từ ngày 11 đến hết 14 tháng Giêng. Chính hội diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng với các nghi thức rước, tế lễ Thành hoàng làng, danh thần liệt nữ tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy; ngoài ra còn có lễ dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ ở chùa Hồng Ân.
12. Hội đền Trần (13 - 15 tháng Giêng)
Lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định tổ chức ngày 20 đến 25/2 Dương lịch (tức từ ngày 11 đến16 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Ngày 11 tháng Giêng tổ chức lễ rước Kiệu Ngọc Lộ, ngày 12 tổ chức lễ rước Nước, tế Cá.
Lễ Khai ấn được tổ chức đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng hàng năm tại Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) là tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường xưa). Lễ khai ấn mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình thịnh trị, mọi nhà an lành yên ấm, được hưởng lộc ấn đền Trần "Tích phúc vô cương".