Những cú sốc đến từ việc được biết đến chỉ sau một đêm
Đối với những người trẻ chưa có kinh nghiệm với truyền hình thực tế, khi bỗng nhiên được biết đến chỉ sau một đêm theo đúng nghĩa đen, họ sẽ phải chịu những cú sốc tâm lý không ngờ.
Anh Jonny Mitchell, người từng tham gia show hẹn hò - tình cảm "Love Island" (Anh) hồi năm 2017, đã từng thực hiện một kiến nghị online thu hút gần 100.000 chữ ký ủng hộ, trong đơn, anh Mitchell đã yêu cầu đài ITV (đơn vị phát sóng show "Love Island") cần cung cấp sự hỗ trợ tâm lý cho tất cả các người chơi từng tham gia show ngay cả khi họ đã rời khỏi show.
Anh Mitchell cho biết rằng sau khi tham gia show, những gì anh nhận được từ cộng đồng mạng chủ yếu là những tin nhắn, những bình luận tiêu cực. Dù điều này không gây ảnh hưởng nhiều đến anh, nhưng Mitchell cảm thấy bất bình khi anh không hề nhận được một sự liên hệ nào từ nhà sản xuất hay nhà đài để hỏi xem anh có cần họ hỗ trợ gì không.
"Đối với những người trẻ chưa có kinh nghiệm với truyền hình thực tế, khi bỗng nhiên được biết đến chỉ sau một đêm theo đúng nghĩa đen, họ sẽ phải trải qua những cú sốc tâm lý, vậy mà người ta để mặc những con người chưa có kinh nghiệm ấy phải tự mình học cách đương đầu và xử lý những vấn đề gặp phải, cách thức như thế rất không ổn", Mitchell chia sẻ.
Động thái thực hiện lá đơn kiến nghị của anh Jonny Mitchell diễn ra sau khi một người chơi cùng tham gia show "Love Island" với anh - anh Mike Thalassitis tự sát hồi năm 2019, tức hai năm sau khi rời show.
Anh Alex Miller, người chơi trong show "Love Island" hồi năm 2018 cũng từng phải vật lộn với các vấn đề tâm lý sau khi rời show: "Lúc rời show và trở về với cuộc sống bình thường, bạn rất dễ bị ngợp. Tôi không kỳ vọng gì nhiều khi tham gia show này, chỉ đơn giản là muốn đem lại chút đổi khác trong cuộc sống. Vậy mà rồi tôi vẫn bị rối trí khi bước ra hỏi show".
Điều khiến Alex Miller cảm thấy khó khăn là những mối quan hệ mới xuất hiện trong cuộc sống của anh, mọi thứ trở nên phức tạp hơn trước khi anh tham gia show, những sự quan tâm, việc được mọi người biết đến khiến cuộc sống của anh có ít nhiều đảo lộn.
Nhưng rất may mắn, Alex đã được bác sĩ tâm lý của show hỗ trợ, vị bác sĩ tâm lý giúp anh lên kế hoạch cho những tháng đầu tiên sau khi rời khỏi chương trình, cùng bàn luận với anh về những việc mà anh muốn làm, nói về những quyết định của anh trong công việc, trong các mối quan hệ, để giúp anh tránh đưa ra những quyết định sai lầm, dần dần, Alex cân bằng lại được cuộc sống của mình.
Dù đến với show một cách rất thoải mái, nhưng Alex vẫn gặp vấn đề tâm lý ở giai đoạn đầu rời show, chính vì vậy, anh rất thấu hiểu những người nói rằng họ gặp rắc rối tâm lý sau khi xuất hiện trong một show truyền hình thực tế: "Người ta thường nói rằng chính chúng tôi lựa chọn tham gia, không ai bắt ép, tại sao chúng tôi lại than thở.
Nhưng họ không hiểu rằng khi chúng tôi tham gia, có thể chúng tôi chỉ đang vô tư đi tìm một chút niềm vui và sự đổi khác trong cuộc sống, chúng tôi không ngờ và cũng không có sự chuẩn bị nào cho những gì có thể xảy ra sau đó, đó chính là những đổi thay bất ngờ trong cuộc sống thực của chúng tôi lúc rời show".
Cô Leonie McSorley, người từng tham gia show thực tế xoay quanh chuyện hẹn hò - tình cảm "Ex on the Beach" (Anh) hồi năm 2017, còn chia sẻ rằng: "Hối tiếc lớn nhất trong đời tôi chính là xuất hiện trong show truyền hình thực tế, tôi đã tin vào những lời thuyết phục rằng đây có thể là một trong những điều tuyệt vời nhất từng xảy đến trong cuộc đời tôi.
Thực tế những gì tôi nhận ra là chương trình đã khép lại rất nhiều cánh cửa trong cuộc đời mình, thay vì giúp tôi mở ra những cơ hội. Nhiều show thực tế được thực hiện để khiến người chơi trở nên xấu hổ, bẽ bàng trước mắt người xem, chỉ để đưa lại sự giải trí cho khán giả".
Show "Ex on the Beach" cũng tạo cho người chơi cơ hội gặp gỡ hẹn hò những người mới, nhưng thỉnh thoảng chương trình sẽ đưa cả những "người cũ" bất ngờ xuất hiện trong chương trình, khiến người chơi "đứng hình" để rồi sau đó những tình cảm yêu thương, những nỗi đau khổ, sự giận dữ còn sót lại sẽ trỗi dậy và làm nên những tình huống thực sự bất ngờ, bùng nổ, phức tạp, rắc rối...
Cô Leonie McSorley chia sẻ về trải nghiệm sau khi tham gia show rằng: "Họ vẽ ra cho tôi một giấc mơ rồi đặt rất nhiều áp lực lên tôi, như thể đây là cơ hội ngàn năm có một, nếu tôi không làm theo những gì nhà sản xuất gợi ý, thì tôi sẽ bị loại sớm và để lỡ mất rất nhiều cơ hội.
Họ kỳ vọng những cách phản ứng thật kịch tính, người chơi phải tạo ra được những tình tiết táo bạo nằm ngoài sức tưởng tượng. Nếu không làm được như vậy sẽ bị "nhắc khéo", đó chính là một cách mà nhà sản xuất thao túng người chơi".
Sau khi rời khỏi show, cô McSorley đã bị trầm cảm: "Các nhân vật bước ra từ show thực tế luôn tận dụng sự quan tâm của cộng đồng mạng để thực hiện các đăng tải quảng cáo trên tài khoản mạng xã hội cá nhân. Nhưng muốn duy trì được sức hút lâu dài không đơn giản. Khi giảm dần sức hút, bạn dễ bị lo lắng, khủng hoảng.
Nhà sản xuất show vẽ ra cho tôi một giấc mơ rằng tôi sẽ trở nên nổi tiếng, mọi chuyện sau đó sẽ diễn ra rất tuyệt vời, nhưng họ không cho tôi biết rằng cơ hội mở ra chỉ rất nhỏ thôi, sau đó, mọi việc sẽ nhanh chóng trở về như cũ nếu tôi không nuôi dưỡng được sức hút của bản thân đối với cộng đồng mạng.
Khi còn ở trong show, tôi đã cố gắng hết sức để được ở lại show lâu nhất có thể, nhưng tôi không hiểu rằng sau khi tôi rời show, những công việc nghiêm túc, những vị trí mà tôi mong muốn được đảm nhận sẽ không ưu tiên lựa chọn tôi, bởi khi người ta tìm kiếm thông tin về tôi, họ sẽ dễ có những định kiến.
Dù cũng có vài cái "được" sau khi tham gia show, nhưng tôi chủ yếu chỉ cảm thấy hối tiếc vì những cái "mất". Tôi thấy nhiều thanh niên cho rằng những người tham gia show thực tế hẳn có cuộc sống rất tuyệt vời và dễ dàng, họ không hề biết thực sự mọi chuyện có thể tệ hại tới mức nào".
Chuyên gia tâm lý cũng gặp khó với show thực tế
Chuyên gia tâm lý Jo Hemmings từng hợp tác với một số show thực tế, bà thừa nhận rằng việc mời chuyên gia tâm lý tới hỗ trợ cho một số show chỉ mang tính hình thức, bởi không hề có những quy định rõ ràng, cụ thể về dạng thức hỗ trợ tâm lý mà các người chơi sẽ nhận được. Thực tế, cũng không hề có quy định nào về việc liệu nhà sản xuất có cần nghe theo lời khuyên của các chuyên gia tâm lý hay không.
Sau cùng, bà Hemmings đã từ chối hợp tác với một số show sau khi họ ngó lơ những lời cảnh báo của bà về tình trạng sức khỏe tâm lý của một số người chơi, bà cảnh báo họ rằng có một số ứng viên không phù hợp để đưa lên sóng truyền hình, bởi họ không có tâm lý vững vàng, nhưng nhà sản xuất không nghe theo khuyến nghị của bà.
"Khi hợp tác với các show thực tế, tôi còn nhận thấy một vấn đề thường gặp ở các người chơi, đó là họ kỳ vọng rất cao về cơ hội sự nghiệp mở ra sau khi tham gia show. Họ muốn nổi tiếng, nhưng lại không có đủ tài năng hay kỹ năng để duy trì sức hút của bản thân, để đương đầu với những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, họ không có những phương án dự phòng.
Khi mọi việc diễn ra không như mong đợi, nhiều người bỗng suy sụp và cảm thấy mình như kẻ thất bại. Họ lo lắng về tiền bạc, về công việc, về các mối quan hệ, nhưng vẫn cần duy trì đăng tải trên mạng xã hội như thể một ngôi sao.
Nhiều người cố gồng lên để thể hiện cuộc sống của mình đang rất tuyệt vời, bản thân mình rất vui vẻ, tự tin, hấp dẫn... Trong khi kỳ thực, mọi chuyện không hề giống như những gì họ đang thể hiện trên mạng xã hội", bà Jo Hemmings chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý Robert Edelmann cũng từng hợp tác với một số nhà sản xuất show thực tế tại Anh, khi họ ghép một số nhân vật lại thành một nhóm, ông Edelmann đã cảnh báo rằng cá tính của các nhân vật không phù hợp với nhau và có thể nảy sinh mâu thuẫn, bất hòa, nhưng nhà sản xuất không nghe.
Thực tế nhà sản xuất cũng tự nhìn thấy điều mà ông Edelmann cảnh báo, nhưng họ cần những bất hòa, những cãi cọ nảy lửa giữa các người chơi để tạo nên kịch tính cho show. Khi chứng kiến nhà sản xuất khai thác những tình huống như vậy để làm điểm nhấn cho show, bác sĩ tâm lý Edelmann quyết định rút lui khỏi các sự hợp tác sau đó.
Nỗi lòng của một người mẹ từng có con tham gia show thực tế
Đã gần 8 năm trôi qua kể từ khi cô Gia Allemand - một người từng tham gia show "The Bachelor" (Mỹ) - qua đời vì tự sát hồi năm 2013. Mẹ của cô - bà Donna Micheletti đã nỗ lực làm những gì có thể để câu chuyện của Allemand không bị lãng quên.
Bà xuất bản sách, xuất hiện trên truyền hình để kể lại câu chuyện của Gia. Bà Donna Micheletti biết rằng con gái mình - cô Gia Allemand - vốn có những vấn đề tâm lý và những vấn đề ấy trở nên trầm trọng hơn sau khi cô tham gia show thực tế "Bachelor Pad", nhưng bà không đổ lỗi cho nhà sản xuất show này:
"Họ có lợi dụng những nét tâm lý, tính cách bất ổn của con gái tôi không? Có! Nhưng tôi hiểu đó là công việc của họ. Còn một khi ta đã hiểu rằng việc tham gia show có thể gây ảnh hưởng tới cuộc sống của mình, vậy thì ngay từ đầu ta đã không nên đăng ký tham gia".
Bà Donna thương con gái rất nhiều, nhưng bà biết rằng con mình phải tự chịu trách nhiệm cho những hành động và quyết định của bản thân: "Đáng lẽ con gái tôi không nên tham gia show thực tế khi bản thân con vốn có vấn đề tâm lý, con tôi đã lựa chọn sai lầm".
Dần dần, có những người phụ nữ chủ động liên hệ với bà thông qua mạng xã hội, họ cũng là những người đang gặp vấn đề tâm lý và mong bà giúp đỡ họ, bà Micheletti thường an ủi, vỗ về và lắng nghe họ nói:
"Nhiều người phụ nữ tìm tới tôi chỉ để trò chuyện về cuộc sống của họ, rằng họ cũng từng nảy sinh ý định tự sát. Bản thân tôi cũng đã sống sót trải qua những thời khắc đen tối nhất của cuộc đời mình. Tôi hiểu rằng những người phụ nữ này chỉ cần được lắng nghe và rồi họ lại có thể tiếp tục được cuộc sống của mình.
Vì vậy, tôi lắng nghe họ. Bất cứ ai đang trải qua những sự việc khó khăn tưởng như vượt quá sức chịu đựng của họ đều nên tìm tới những người có thể lắng nghe và giúp đỡ cho họ phần nào, để họ hiểu rằng mình không cô đơn. Có những thời điểm mà tất cả những gì bạn cần chỉ là ai đó chịu lắng nghe bạn nói và cảm thông phần nào cho hoàn cảnh của bạn".
Sau sự ra đi của hai người chơi Sophie Gradon và Mike Thalassitis vì tự sát hồi năm 2018 và 2019, đài truyền hình ITV (Anh) đã từng cam kết sẽ quan tâm hỗ trợ tâm lý cho các người chơi từng tham gia show "Love Island" ngay cả khi họ đã rời khỏi show.
ITV cam kết sẽ đối thoại với các người chơi về những ảnh hưởng mà show này có thể gây ra đối với cuộc sống của họ, sẽ mời các người chơi tham gia những khóa tư vấn về cách sử dụng mạng xã hội và cách quản lý tài chính cá nhân, sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ các người chơi sau khi họ đã rời khỏi show...
Những vấn đề và giải pháp xung quanh các show truyền hình thực tế không thể giải quyết trong "ngày một, ngày hai". Nhưng thấu hiểu vấn đề là một bước cần thiết để người chơi, nhà sản xuất, khán giả, cộng đồng mạng... có thể dần hình thành thái độ và cách hành xử hợp lý.
Không nên để những show truyền hình thực tế vốn được sinh ra nhằm mục đích phục vụ nhu cầu giải trí, lại gây nên những hệ lụy tâm lý dài lâu đối với các cá nhân tham gia.
Bích Ngọc
Theo Guardian/Refinery