Những lâu đài đáng ghé thăm nhất tại Nhật Bản
Những lâu đài đáng ghé thăm nhất tại Nhật Bản
Trong lịch sử Nhật Bản, có giai đoạn hàng nghìn lâu đài được xây dựng trên khắp đất nước. Dù phần lớn trong số 5.000 công trình đó đã bị phá hủy, hiện còn khoảng 100 lâu đài tồn tại ở Nhật Bản và trở thành những điểm tham quan thu hút đông đảo khách du lịch.
Được xây dựng vào năm 1611, lâu đài Hirosaki nằm trên một ngọn đồi ở tỉnh Aomori, phía Bắc Nhật Bản. Một khu vực của lâu đài đã bị phá hủy vì bị sét đánh vào năm 1627, sau đó được thay thế vào đầu thế kỷ 19 bằng cấu trúc ba tầng như ngày nay. Bên cạnh kiến trúc nổi bật, hơn 2.600 cây hoa anh đào rải rác trong khu vườn là điều thu hút du khách đến với lâu đài Hirosaki.
Được xây dựng vào thế kỷ 16, lâu đài Matsumoto hướng ra dãy núi Hida phủ đầy tuyết bao quanh thành phố Matsumoto (tỉnh Nagano). Với tường bao quanh màu đen, lâu đài còn được gọi là Karasu-jo (Lâu đài Quạ). Công trình này ít bị phá hủy và được gìn giữ như một trong những di tích lâu đời nhất còn tồn tại ở Nhật Bản. Vào những đêm mùa đông, lâu đài được thắp sáng và phản chiếu ánh sáng rực rỡ lên hào nước bao quanh.
Lâu đài Nagoya nằm tại thành phố Aichi - thủ phủ tỉnh Nagoya. Lâu đài này được xây dựng như một trung tâm hành chính vào đầu thời kỳ Edo, sau gần 150 năm chiến tranh. Từng bị phá hủy trong Thế chiến thứ hai, nhưng lâu đài đã được phục hồi giống như giai đoạn hoàng kim của nó, với những mái nhà màu xanh bạc hà và linh vật Shachihoko (đầu hổ thân cá) ở trên nóc lâu đài. Hiện nay lâu đài này vẫn tiếp tục được cải tạo cho đến năm 2028, nên du khách không được phép vào thăm một số khu vực trong diện bảo tồn.
Lâu đài Osaka là một trong những địa danh nổi tiếng nhất của Nhật Bản, đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn đỉnh cao của thời kỳ Sengoku. Sau khi thống nhất Nhật Bản vào năm 1590, Toyotomi Hideyoshi đã tìm cách mở rộng pháo đài của mình ở Osaka với mong muốn vượt qua lãnh chúa Oda Nobunaga. Ngày nay lâu đài Osaka có 5 tầng, được phục dựng sau khi bị phá hủy nhiều lần, với mái ngói màu xanh bạc hà và đồ trang trí bằng vàng mang những nét tương đồng với lâu đài Nagoya.
Lâu đài Inuyama (Nagoya) có ý nghĩa quan trọng vì sở hữu tenshu (tháp kiên cố) nguyên bản lâu đời nhất ở Nhật Bản, được xây dựng từ năm 1580 và là 1 trong 5 pháo đài được Nhật Bản xếp hạng Bảo vật Quốc gia. Trước đây, vị trí chiến lược trên đỉnh đồi của lâu đài Inuyama đã giúp các samurai sống tại đây có tầm nhìn bao quát. Ngày nay, du khách thăm lâu đài được hưởng lợi từ vị trí đắc địa này, với tầm nhìn tuyệt đẹp ra các thị trấn và khu rừng xung quanh.
Lâu đài Nijo là nơi ở chính thức của Shogun (Tướng quân) trong thời kỳ Edo. Sau cuộc Minh Trị duy tân, lâu đài trở thành cung điện hoàng gia trước khi mở cửa cho công chúng tham quan như một di tích lịch sử. Di tích này vẫn còn lưu giữ nhiều đặc điểm của kiến trúc phong kiến Nhật Bản, như một con hào có chu vi rộng, một karamon (cổng vào) hùng vĩ, các phần đồng tâm được ngăn cách bởi những bức tường đá và ván sàn phát ra tiếng kêu đặc trưng để phát hiện những kẻ xâm nhập.
Có quy mô khiêm tốn nhưng lâu đài Hikone ở tỉnh Shiga sở hữu pháo đài chính đã được coi là Bảo vật Quốc gia của Nhật Bản, cùng nhiều công trình kiến trúc xung quanh vẫn còn nguyên vẹn. Lâu đài được hoàn thành vào năm 1622, sau khi Mạc phủ Tokugawa thiết lập hòa bình trên toàn nước Nhật. Từ lâu đài trên đỉnh đồi, du khách có thể nhìn về phía hồ Biwa - hồ nước ngọt lớn nhất của Nhật Bản. Ngoài ra còn có Bảo tàng Lâu đài Hikone ở chân đồi, trưng bày các hiện vật và tài liệu lịch sử của gia tộc đã thành lập pháo đài này cách đây 400 năm.
Lâu đài Bicchu Matsuyama có từ thế kỷ 13, nằm tại thành phố Takahashi (tỉnh Okayama). Đây được cho là một yamajiro (lâu đài trên núi) nguyên bản còn sót lại của Nhật Bản. Không có lâu đài nào ở Nhật Bản nằm ở độ cao lớn hơn lâu đài Matsuyama - 430m so với mực nước biển. Từ độ cao này, du khách được ngắm nhìn khung cảnh vùng nông thôn Okayama hoặc biển mây bồng bềnh trên thung lũng vào các buổi sáng mùa xuân và mùa thu.
Lâu đài Edo sở hữu những yếu tố lâu đời nhất trong số các lâu đài của Nhật Bản còn đến ngày nay. Một cung điện kiên cố lần đầu tiên được xây dựng tại địa điểm này vào thời Heian.
Nằm tại thành phố Naha (tỉnh Okinawa), lâu đài Shuri-jo là biểu tượng của phong cách lâu đài gusuku của vương quốc Ryukyu xa xưa (tên cũ của Okinawa). Nơi này có một số nét khác biệt với những lâu đài thường thấy ở Nhật Bản, như một tòa nhà bằng gỗ màu đỏ hay hình rồng dùng để trang trí. Mặc dù đã được khôi phục và được UNESCO ghi danh, nhưng lâu đài Shuri lại bị phá hủy nặng nề trong một trận hỏa hoạn lớn vào năm 2019. Quá trình tái thiết vẫn đang được tiến hành nhằm phục hồi nguyên vẹn các tòa nhà chính, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Được xây dựng vào đầu những năm 1600 gần hồ Shinji, lâu đài Matsue (tỉnh Shimane) là một trong những lâu đài duy nhất còn sót lại trên bờ biển miền Trung, phía Tây của Nhật Bản. Mục đích ban đầu của lâu đài này nhằm giúp tướng quân Tokugawa Ieyasu củng cố quyền lực tại đây. Ngày nay, những bức tường đen hùng vĩ với mái nhà nhiều tầng màu xám của lâu đài vẫn đứng sừng sững ở trung tâm khu phố cổ của Matsue.
Lâu đài Himeji, hay còn gọi là "Lâu đài Hạc trắng" nằm tại thành phố Himeji của tỉnh Hyogo. Công trình này gần như còn nguyên vẹn trong suốt lịch sử 700 năm, dù đã phải chịu khá nhiều biến cố như các vụ đánh bom trong thời chiến hay trận động đất lịch sử năm 1995. Tính toàn vẹn giúp lâu đài Himeji trở thành Di sản thế giới đầu tiên được UNESCO ghi danh tại Nhật Bản.
Được xây dựng vào đầu những năm 1600, lâu đài Kumamoto hiện là một trong những công trình ấn tượng nhất của kiến trúc tiền hiện đại trên đảo Kyushu, mặc dù hầu hết các cấu trúc hiện nay đã được xây dựng lại bằng bê tông cốt thép. Sau một trận động đất lớn vào năm 2016 và giai đoạn cải tạo kéo dài 5 năm sau đó, pháo đài chính của lâu đài Kumamoto đã được mở cửa trở lại cho công chúng vào năm 2021. Trong khuôn viên lâu đài có 800 cây hoa anh đào nhuộm hồng cả khu vực này vào mỗi mùa xuân./.
Theo CNN