"Ốc tháng Mười, người Hà Nội" và câu chuyện con ốc - vưu vật quà vặt mùa thu
"Ốc tháng Mười, người Hà Nội" và câu chuyện con ốc - vưu vật quà vặt mùa thu
Tháng Mười về mang theo gió heo may, đây là lúc những con ốc béo mẫm thơm lừng bên bát mắm gừng khiến nhiều người dù sành ăn hay không cũng xốn xang. Thức quà vặt này của người Hà Nội khiến bất cứ ai cứ đi là nhớ, khi về là thương.
Khắp dải đất chữ S trải từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng đến miền núi, từ đất liền đến hải đảo xa xôi, nơi nào chẳng có món ốc luộc. Ấy thế mà cứ vào độ tháng Mười, người ta lại "nhức" cả cõi lòng khi nhớ đến món ốc luộc nóng hổi bên vỉa hè của người Hà Nội.
Người ta cũng nhớ đến ốc Sài Gòn, ốc Hải Phòng,... nhưng ốc Hà Nội mang cái thú gì đó tình lắm, cái thú ăn ốc thôi mà cũng phải chọn mùa cho hợp, đó là mùa thu. Hà Nội - thành phố của sông hồ, trải qua bao thăng trầm vẫn giữ được phong vị riêng khi chế biến món ốc.
Vùng đồng bằng Bắc Bộ nổi tiếng với những con ốc nứa, ốc đá, ốc mít, ốc nhồi, ốc bươu,... giữa hàng nghìn ao hồ lấp lánh ánh nước lẫn những cánh đồng sải rộng thẳng cánh cò bày. Đương nhiên, không chỉ riêng người Hà Nội ăn ốc, dân cư tứ xứ về Thủ đô mưu sinh cũng phải ấn tượng với món ốc khi thu về. Bởi người Hà Nội vẫn luôn tinh tế trong từng thao tác chọn ốc, ăn ốc và thưởng vị ngon của ốc mà không phải nơi nào cũng có. Và cứ thế đến tháng Mười mùa thu, khi mà heo may về góc phố, phủ lên lớp sương lạnh nhè nhẹ, người ta lại rủ rỉ tai nhau lên phố ăn ốc.
"Ốc tháng Mười, người Hà Nội"
Ngay cả những người mới "nhập môn" thưởng ốc cũng biết, chẳng ai ăn ốc vào ngày hạ huyền. Khi mà mặt trăng hao khuyết lưỡi liềm hay biến mất, nói cách khác là vào đầu tháng và cuối tháng, người ta "nghỉ chơi" với ốc. Lúc này ốc sinh sản, vừa gầy lại nhạt, tựa như câu "Nhạt như nước ốc". Ốc ăn lúc này ít thịt, không thơm, vả lại chúng cũng lạo xạo ốc con, ăn chẳng còn gì cái vị ngon.
Muốn ăn ốc ngon, phải chọn ngày trăng tròn. Kỳ lạ, việc trăng tròn hay khuyết không chỉ thể hiện chu kỳ trăng mà còn hướng dẫn người ta thời điểm ăn ốc ngon nhất. Thời kỳ trăng to tròn, tỏa ánh sáng dịu dàng, sáng vằng vặc ấy là lúc những con ốc béo mẫm, thịt căng mẩy nần nẫn. Khẽ thảy con ốc ra là nhìn thấy ruột ốc mướt mượt, sạch bong lại không có ốc con.
Mà đâu chỉ trăng càng tròn, ốc càng ngon. Trăng tròn nhưng vào mùa thu nữa thì đúng là "đã đời". Trước khi đông lạnh về, những con ốc hối hả nạp dinh dưỡng để vượt đông lạnh lẽo. Vì thế ốc lúc này, con nào con nấy béo, ruột vàng óng, căng mọng ngọt nước. Các cụ thời xưa thưởng tiết trời thu không thể thiếu được món ốc luộc. Đến bây giờ, trẻ hay già, người lớn hay trẻ em, thu se lạnh là dâng lên cơn thèm ốc. Đi đường gió thổi lạnh mà muốn sà ngay vào hàng ốc bên đường, hít hà mùi ốc luộc lá bưởi, lá chanh nếp, lá gừng rồi nhúng sâu vào bát nước mắm chua ngọt cho thỏa cơn thèm.
Ốc luộc - Món ăn "di dưỡng tinh thần" mùa thu
Nói đến ốc, nhiều món ngon vô kể nhưng chẳng qua người ta thèm thuồng cái hơi nóng bốc lên nghi ngút của bát ốc luộc xen lẫn mùi lá chanh đậm đà nên mới ấn tượng hơn cả mà thôi. Ốc luộc - món ăn vặt chế biến rất đỗi đơn giản, chỉ cần đổ ốc vào luộc với lá chanh, sả, ớt.
Mua được mẻ ốc mít tươi mới, ốc mít mùa thu ăn vừa béo giòn lại ngọt thịt. Ngâm trong nước vo gạo cắt vài lát ớt, thêm tí chanh hoặc giấm cho nhả sạch cát và nhớt bẩn. Giờ các chị em khéo hơn còn bỏ cả thìa inox, đập trứng gà vào ngâm ốc để chúng nhả cho nhanh. Có nước gạo ngâm ốc thì vừa sạch, luộc lại ngon hơn.
Những chi tiết nhỏ nhưng lại ảnh hưởng đến nồi ốc thơm ngon là ngay từ lúc ngâm rửa ốc là cũng phải nhặt bỏ những con nổi lập lờ, há miệng chỏng chơ. Đừng dại mà tiếc mấy con này, chỉ một con ốc chết thôi cũng đủ làm hỏng cả nồi ốc béo.
Thu Hà Nội chẳng thể nào thiếu được những món ăn từ ốc (Ảnh: Ốc Luộc Quán)
Chọn thời điểm ăn ốc, biết cách ngâm rửa ốc, luộc ốc còn phải khéo chọn những thứ ăn kèm ốc. Ốc vốn tính hàn, ăn vào thời tiết se lạnh của mùa thu càng phải chú ý. Đặc biệt, khi ăn ốc vào buổi tối, những người yếu bụng thì dễ đau bụng. Thế nên, trong nồi ốc luộc thường dùng thêm các loại lá tính ấm, có nhiều tinh dầu như lá bưởi, lá chanh, củ sả, lá gừng để cân bằng với tính hàn của ốc.
Chuẩn bị tươm tất xong đâu đấy, lúc gần ăn mới luộc. Bởi ốc luộc chín nhanh, luộc xong để lâu thì ăn chẳng còn gì thú vị. Thực tình thì mỗi nhà, mỗi hàng quán lại có bí quyết luộc ốc ngon khác nhau. Có nhà dùng lá chanh, lá bưởi; có nhà lại dùng ớt, mẻ và lá gừng. Chung quy lại chừng ấy thứ lá dân dã đều không thể thiếu được trong nồi ốc luộc.
Cái thú ăn ốc ở Hà Nội nếu không ăn ở nhà thì ăn quán vỉa hè mới ngon. Thành phố xô bồ người ta thường dùng kim nhọn để khều ốc, nhưng ăn ốc đúng điệu thì phải dùng gai bưởi hoặc gai bồ kết. Khẽ đâm vào con ốc, khéo vặn nhẹ là toàn thân ốc núng nính trôi ra. Chấm ốc vào bát nước mắm chua ngọt cay thơm đủ vị. Ăn ốc mà "nghe" được mùi thơm thơm của lá chanh nếp thái chỉ, miệng nhai miếng ốc tận hưởng vị giòn béo, ngọt thịt mới khoái làm sao. Để cái bụng yên hơn nữa, người ta tráng miệng thêm bát nước luộc ốc đậm mùi gừng sả.
Ngoài ốc luộc, người Hà Nội còn nhiều món ốc ngon khác mà nghe thấy cũng đủ "nhức răng". Con ốc béo mùa thu này, mang làm món gì cũng ngon, từ ốc luộc, chả ốc, bún ốc, ốc nấu chuối đậu, ốc hấp lá gừng, ốc nhồi lá tre, bún ốc nguội,...
Món bún ốc nguội (Ảnh: Nhà hàng Bể cá)
Nếu ở Hà Nội, lang thang khắp 36 phố phường, ai cũng có cho mình một quán quen như một điểm hẹn với mùa thu. Một bát ốc luộc dân dã, thơm ngon, kéo người ta lại gần thân thiết hơn với mảnh đất Hà Nội. Để rồi dù có đi xa, khắc khoải thêm nỗi nhớ về Hà Nội, đâu đó người ta vẫn thấy một chút thơm, một chút cay, một chút giòn của thịt ốc đất Hà thành hằn sâu trong tâm trí.