Quan niệm về hạnh phúc của thế hệ trẻ đã khác: Giàu có, thành đạt không còn là mục tiêu số 1, sức khỏe tinh thần được đề cao hơn bao giờ hết
Quan niệm về hạnh phúc của thế hệ trẻ đã khác: Giàu có, thành đạt không còn là mục tiêu số 1, sức khỏe tinh thần được đề cao hơn bao giờ hết
Một công việc hạnh phúc giờ đây với thế hệ trẻ (Gen Z) bao gồm nhiều yêu cầu hơn đáng kể so với thế hệ trước.
Gen Z là thế hệ được nhắc đến nhiều nhất hiện nay. Sinh ra từ năm 1997 đến 2012, Gen Z là thế hệ đầu tiên được sinh ra trong một thế giới mà khoảng cách giữa thực và ảo đang nhanh chóng biến mất.
Trong khi Millennials là thế hệ sẵn sàng nắm quyền điều hành công việc trong nửa thế kỷ tới, Gen Z sẽ theo sát họ và theo nhiều cách, sẽ chia sẻ vai trò định hướng và tạo ra tương lai. Là những người được sinh ra trong một thế giới được định hình bởi internet, các nền tảng truyền thông xã hội, điện thoại thông minh, ứng dụng và các công nghệ mới nổi, Gen Z suy nghĩ, sống và tương tác khác biệt.
Tiêu chuẩn hạnh phúc trong công việc đổi khác
Một báo cáo cuối năm 2022 từ Gympass - nền tảng phúc lợi doanh nghiệp lớn nhất thế giới cho thấy mặc dù Gen Z luôn bị nhận định là thích trốn tránh công việc, "kén việc" nhưng thế hệ này lại là những người hạnh phúc nhất và cũng là những người làm việc chăm chỉ nhất.
Báo cáo Sức khỏe Cuộc sống và Công việc năm 2022 của Gympass đã khảo sát các nhân viên trên toàn cầu và tại Vương quốc Anh đã phát hiện ra rằng: 75% nhân viên Thế hệ Z hài lòng với công việc so với 60% của những người trên 50 tuổi. Gen Z xếp hạng phúc lợi tại nơi làm việc quan trọng gấp ba lần so với lực lượng lao động lớn tuổi hơn và 89% nhân viên Gen Z sẽ nghỉ việc nếu công ty của họ không chú trọng đến phúc lợi của nhân viên. Phúc lợi ở đây không chỉ bao gồm lương mà còn chế độ nghỉ phép, chăm sóc sức khỏe và đảm bảo công bằng nơi làm việc.
Báo cáo này còn cho thấy ba phần tư nhân viên Gen Z ở Anh hài lòng với công việc và quan trọng nhất là họ gắn bó với công việc hơn so với các thế hệ cũ. Với việc ngày càng có nhiều người trẻ đặt sức khỏe và phúc lợi của mình lên hàng đầu, không có gì ngạc nhiên khi báo cáo cũng chỉ ra rằng các nhân viên Gen Z cho rằng sức khỏe của họ đã được cải thiện vào năm 2022 khi so sánh với những nhân viên trên 50 tuổi.
Người trẻ ngày này làm việc vì nhiều yếu tố hơn hẳn so với thế hệ trước, tức không còn coi thu nhập và chế độ thăng tiến sự nghiệp là tất cả nữa. Theo Báo cáo khảo sát Gen Y và Gen Z năm 2021 của Deloitte, Gen Z có nhiều khả năng sẽ chia tay với các tổ chức và nhà tuyển dụng nếu họ "có hành động mâu thuẫn với giá trị cá nhân của họ" và gần một nửa số Gen Z được khảo sát cho biết họ đã làm việc và các quyết định liên quan đến nghề nghiệp dựa trên "đạo đức cá nhân". Các giá trị trong công việc mà Gen Z yêu cầu cần có bao gồm tính xác thực, bình đẳng và bền vững.
Luke Bullen, Giám đốc Gympass tại Vương quốc Anh và Ireland cho biết: "Thế hệ này không lười biếng. Họ đang đánh giá lại mối quan hệ của mình với công việc theo cách mà các thế hệ trước chưa từng làm. Họ đang ưu tiên sức khỏe của bản thân và đánh giá những gì họ muốn từ công việc. Ngày nay, những người trẻ tuổi chỉ đơn giản là không hài lòng với những công việc mà họ cho là không thích hoặc có khả năng gây hại cho sức khỏe của mình và họ không ngại chia sẻ những kỳ vọng này với người sử dụng lao động".
Tình trạng hạnh phúc hiện tại của Gen Z
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2019 là báo cáo đầu tiên được công nhận rộng rãi đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về tình trạng hạnh phúc của Gen Z. Trong Chương 5 của báo cáo, Nhà tâm lý học người Mỹ Jean Twenge trình bày bằng chứng dựa trên nhiều nghiên cứu độc lập khác nhau rằng Gen Z có sức khỏe tâm thần kém. Sức khỏe tinh thần được đánh giá qua các chỉ số mức tiêu cực như trầm cảm, ý định tự tử và tự làm hại bản thân.
Các nghiên cứu khác cũng phát hiện ra rằng Gen Z đặc biệt nhận thức được sức khỏe tinh thần kém của họ, với 70% nói rằng họ tin rằng lo lắng và trầm cảm là phổ biến với giới trẻ trong thời đại hiện nay.
Phát hiện của Twenge cũng chỉ ra rằng Gen Z có sức khỏe tinh thần thấp hơn so với Gen Y khi ở cùng độ tuổi và quan trọng nhất là có mối tương quan giữa sự suy giảm hạnh phúc được quan sát thấy ở thanh thiếu niên và việc sử dụng phương tiện kỹ thuật số ngày càng tăng. Các thiết bị công nghệ đã chiếm đoạt thời gian thường được dành cho các tương tác trực tiếp nâng cao hạnh phúc, đồng thời đặc biệt ảnh hưởng tới lòng tự trọng, sự tự tin của người trẻ do những tiêu chuẩn về vẻ đẹp và hạnh phúc không thực tế.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng sức khỏe tinh thần kém của Gen Z hoàn toàn là do mạng xã hội. Giống như Millennials, Gen Z đang trưởng thành trong thời kỳ không chắc chắn và hỗn loạn. Hơn nữa, đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo đã làm trầm trọng thêm vấn đề căng thẳng mãn tính ở Gen Z. Bên cạnh đó, có 3 lĩnh vực trọng tâm cho hạnh phúc trong tương lai của Gen Z là ổn định kinh tế và việc làm, khủng hoảng khí hậu và sức khỏe tâm thần.
Nguồn: Smartcitti, Businessinthenews