Kem dưỡng ẩm bạn đang dùng có thực sự phù hợp với làn da?
Trong chu trình chăm sóc da hằng ngày, kem dưỡng ẩm dường như đã trở thành một phần không thể thiếu dù bạn tuân thủ 12 bước nghiêm ngặt như hội chị em Hàn Quốc hay theo đuổi xu hướng tối giản. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại với vai trò duy trì độ ẩm trên da, kem dưỡng ẩm còn nhiều tác dụng hơn thế. Dưới đây là những sự thật có thể bạn chưa biết về kem dưỡng ẩm, để từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp cho tình trạng da của mình.

Kem dưỡng ẩm là gì?
Kem dưỡng ẩm được thiết kế nhằm cung cấp và duy trì độ ẩm cho da bằng cách tạo ra một lớp màng bảo vệ trên bề mặt, giúp ngăn chặn sự mất nước và bổ sung độ ẩm cần thiết. Trên thực tế, da của chúng ta cũng có một lớp màng bảo vệ tự nhiên giúp giữ ẩm bề mặt. Tuy nhiên, dưới tác động tiêu cực của các tác nhân không muốn từ bên ngoài như thời tiết hanh khô, ô nhiễm môi trường, hay quá trình sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không phù hợp,… lớp màng này có thể bị ảnh hưởng và dẫn đến tình trạng mất cân bằng độ ẩm trên da. Do đó, kem dưỡng ẩm không chỉ giúp da mềm mại, khóa ẩm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường.
Các sản phẩm dưỡng ẩm cho da hiện nay có mặt trên thị trường với đa dạng các hình thức từ lotion, gel đến dạng kem truyền thống. Nhưng nhìn chung, có 4 loại thành phần chính trong các sản phẩm trên bao gồm chất khóa ẩm, chất giữ ẩm, chất làm mềm và các thành phần giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da.
Những loại chất khóa ẩm phổ biến có thể kể đến như petrolatum, silicon, dầu hoặc bơ, tạo nên lớp màng bảo vệ ngăn chặn tình trạng mất nước, gây khô da. Chất hút ẩm như glycerin, urea, axit hyaluronic và axit bionic làm dung môi hòa tan, hay hút nước từ da và môi trường bên ngoài, vì thế các thành phần này thường không đứng đơn độc mà phải đi cùng chất khóa ẩm. Chất làm mềm như lanolin, dầu khoáng lại giúp lấp đầy các vết nứt, thô ráp trên bề mặt da, làm mềm mịn da. Cuối cùng, các thành phần chưa dưỡng chất phục hồi như ceramides và axit polyhydroxy (PHA) gluconolactone đóng vai trò thay thế chất béo tự nhiên và chất dưỡng da, giúp hàng rào bảo vệ da hoạt động tối ưu.
Nên chọn kem dưỡng ẩm thế nào cho từng loại da?
Ở các sản phẩm dưỡng ẩm khác nhau những thành phần bên trong đều được tinh chỉnh nhằm phục vụ cho các tình trạng da khác nhau. Vì thế, để đạt hiệu quả dưỡng ẩm tốt nhất, việc xác định đúng loại da và các vấn đề về da của bạn đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Da khô
Da khô là tình trang da thiếu độ ẩm, thường xuyên cảm thấy khô căng, bong tróc. Đối với làn da đang “khát nước” này, việc cấp ẩm là một nhu cầu tất yếu. Các sản phẩm có kết cấu đặc, giàu chất béo trong bảng thành phần chất khóa ẩm và chất làm mềm da giúp nuôi dưỡng và cung cấp độ ẩm sâu bên trong cho làn da khô.
Da dầu
Da dầu thường bị hiểu lầm rằng không cần chú trọng vấn đề giữ ẩm, bởi bề mặt da đã tiết nhiều dầu. Do đó, việc sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm sẽ làm da bị thừa ẩm và nảy sinh các vấn đề da liễu như bít tắc lỗ chân lông hay nổi mụn. Tuy nhiên, đây là quan niệm hòa toàn sai lầm, bởi vì da dầu cũng cần được cấp ẩm như những loại da khác. Để tránh tình trạng bí da, các sản phẩm có kết cấu nhẹ, không dầu và dạng gel giúp kiểm soát quá trình sản sinh ra dầu và giảm thiểu hiện tượng lỗ chân lông to là ưu tiên hàng đầu.
Da hỗn hợp
Da hỗn hợp là làn da có cả vùng da khô và da dầu. Vùng chữ T (trán, mũi, cằm) thường tiết nhiều dầu, hai bên má thường là da khô hoặc da thường. Đối với da hỗn hợp việc cân bằng giữa việc cung cấp đủ độ ẩm giữa các vùng da và không gây bóng nhờn không đơn giản. Những loại kem dưỡng ẩm mỏng nhẹ và serum giúp cân bằng lượng dầu tiết ra và dưỡng ẩm là một gợi ý lý tưởng.
Da thường
Da thường sẽ là loại da ít gặp rắc rối nhất nên sử dụng kem dưỡng ẩm nhẹ, không quá đặc, để duy trì độ ẩm tự nhiên mà không gây bít tắc lỗ chân lông.
Da nhạy cảm
Da nhạy cảm thường mỏng manh, dễ bị kích ứng bởi các yếu tố bên ngoài như mỹ phẩm, hóa chất, thời tiết,… hơn so với các loại da khác. Thậm chí, kiểu da này còn dễ xuất hiện các triệu chứng như mẩn đỏ, ngứa rát, nổi mề đay,… Người có da nhạy cảm nên chọn các sản phẩm không chứa hương liệu, chất bảo quản và các chất gây kích ứng khác.
Da lão hóa
Cuối cùng, da lão hóa là tình trạng da mất đi độ đàn hồi, săn chắc, xuất hiện nếp nhăn, đồi mồi, nám, da chảy xệ,… xảy ra theo thời gian do sự tác động của các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Kem dưỡng ẩm cho da lão hóa thường chứa các thành phần chống lão hóa như retinol, peptide và các chất chống oxy hóa.