Tại sao người Mỹ lại "phát cuồng" với món dưa chua đến vậy?
Tại sao người Mỹ lại "phát cuồng" với món dưa chua đến vậy?
Sau món thịt xông khói và nước sốt salad Ranch, một cơn sốt dưa chua đang càn quét khắp nước Mỹ. Chúng được ưa chuộng đến mức các món "độc lạ" như bỏng ngô, kẹo cao su, các loại hạt được tẩm vị dưa chua đã ra đời.
Giờ đây, những tín đồ của món dưa chua hoàn toàn có thể gọi một chiếc bánh pizza dưa chua, ăn kèm với món khoai tây chiên dưa chua và uống một cốc bia cũng có hương vị dưa chua nốt.
Nếu bạn cần món tráng miệng, các loại kẹo bông, kem và kẹo dẻo vị dưa chua cũng luôn sẵn sàng. Thậm chí, bạn hoàn toàn có thể ghé thăm chuỗi cửa hàng bán đồ ăn nhanh Sonic Drive-In để gọi cho mình một ly nước ép dưa chua.
Ở Mỹ, nguyên liệu chính để tạo nên món dưa chua là những trái dưa chuột bao tử, tuy nhiên, chúng hoàn toàn có thể thay thế bằng các loại trái cây hoặc rau củ bất kỳ, miễn là được bảo quản đúng cách trong dung dịch nước muối.
Dưa chua có thể được làm từ nhiều loại rau củ khác nhau, trong đó phổ biến nhất là dưa chua làm từ dưa chuột bao tử
Với thời hạn sử dụng lâu dài, dưa chua có thể được mang đi khắp thế giới, giúp nuôi quân lính trong các cuộc chiến tranh và mang lại nhiều lợi ích khác nhau, chẳng hạn như phòng ngừa bệnh scurvy (một căn bệnh mãn tính bị gây ra bởi việc thiếu hụt vitamin C).
Sự phổ biến của dưa chuột muối - món ăn được nhiều người Mỹ đánh giá là món dưa chua ưu việt - xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Đầu tiên, nông dân Hà Lan bắt đầu trồng dưa chuột ở Brooklyn vào thế kỷ 17, loại quả này bắt đầu được muối chua và bán trong khu vực. Sau đó, vào cuối những năm 1800 - đầu những năm 1900, làn sóng nhập cư của người Do Thái Đông Âu đã mang món dưa chua đến với thành phố New York.
Tất nhiên, giống như hầu hết các món ăn khác, bên cạnh các fan hâm mộ trung thành của món dưa chua, vẫn có những người không thích và cảm thấy khó chịu với hương vị của nó.
Hầu hết các món dưa chua đều có vị chua vì được ngâm lâu trong nước muối mặn. Thời gian ngâm lâu dài khiến vi khuẩn axit axetic phát triển và nhân lên. Nói theo một cách khác, dưa chua tự tạo ra giấm và điều đó khiến chúng có vị chua mạnh.
Trong khi đó, quá trình lên men lactic trong dưa chua được xem như một tín hiệu "đèn xanh" cho cơ thể con người, báo hiệu rằng loại thực phẩm này an toàn để tiêu thụ vì axit lactic giúp hạn chế sự sinh sản của vi khuẩn có hại.
Trong một nghiên cứu với đối tượng là trẻ em và phụ huynh cho thấy một số trẻ em có xu hướng thích thực phẩm chứa nồng độ axit cao nhất, hay nói cách khác là những loại thực phẩm chua nhất, trong khi một số người lớn lại "bó tay chịu trói" với hương vị này.
Tuy nhiên, ngay cả các tác giả nghiên cứu cũng không rõ tại sao hiện tượng này lại xảy ra. Họ đưa ra giả thuyết rằng sở thích ăn chua có thể liên quan đến xu hướng thích phiêu lưu ở trẻ. Ngoài ra, dường như còn có một mối tương quan chặt chẽ giữa việc không thích đồ chua với việc không muốn thử những món ăn mới ở cả trẻ em và người lớn.
Bên cạnh đó, các phương pháp bảo quản cũng làm thay đổi kết cấu của thực phẩm, tạo nên mùi hoặc vị gây ác cảm cho người ăn. Cụ thể, kết cấu có phần "trơn" và "nhầy nhụa" của dưa chua có thể gây khó chịu cho một số người, đặc biệt là người trưởng thành kén ăn.
Ngược lại, nếu bạn đánh giá cao kết cấu và hương vị của món ăn này, bạn sẽ có cả một thế giới thức ăn để khám phá. Dưa chua có thể kết hợp với nhiều món ăn vì hương vị chính trong hầu hết các món là vị béo, mặn và ngọt. Dưa chua có thể tạo độ chua, giòn và làm cân bằng món ăn.
Ví dụ, thương hiệu Burger King từng triển khai dịch vụ bỏ hoặc giữ lại dưa chua trong món hamburger theo yêu cầu của thực khách. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng một chiếc bánh mì kẹp có dưa chua sẽ ngon hơn chiếc không có.
Nhờ khả năng kết hợp phong phú như vậy, dưa chua có mặt trong hầu hết các món ăn của người Mỹ. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tránh làm mất lòng bạn bè với hơi thở có vị chua của mình, tốt nhất là đừng nên dùng kẹo cao su vị dưa chua sau bữa tối.